Day bấm huyệt trị viêm khớp khuỷu

Viêm khớp khuỷu là bệnh thường gặp ở các vận động viên quần vợt, bóng bàn, bóng chuyền, của các thợ mộc, thợ hàn, thợ rèn...

15.6004
Viêm khớp khuỷu là bệnh thường gặp ở các vận động viên quần vợt, bóng bàn, bóng chuyền, của các thợ mộc, thợ hàn, thợ rèn... do nghề nghiệp họ thường lặp đi lặp lại các động tác xoay cánh tay trong thời gian dài; co duỗi khớp khuỷu tay, cổ tay và sử dụng bộ phận cánh tay cổ tay quá sức với một lực tác động quá lớn.

Triệu chứng thường thấy là phía ngoài khớp khuỷu tay đau nhức, cầm nắm khó khăn; khi quay cánh tay, co duỗi khớp cổ tay thấy đau lan truyền xuống dưới; phía bên ngoài khớp khuỷu tay, xương cổ tay có những điểm đau, sưng tấy. Nếu thấy sắc xanh là gân bị tổn thương; sắc tía là huyết ứ đọng. Khi mới bị thương thì hơi sưng, ấn vào da thịt thấy đau, đó là bị thương nhiều.Nếu có sưng đau, khớp co duỗi khó là bị thương nặng.

 Day bấm huyệt thủ tam lý.

Nguyên nhân của viêm khớp khuỷu theo y học cổ truyền, phần lớn do vận động quá mạnh hoặc cầm vật quá nặng hoặc bị ngã, kéo co, làm trở ngại sự vận hành của kinh khí; gân mạch khớp bị tổn thương. Y học cổ truyền có nhiều cách chữa như xoa bóp bấm huyệt, châm cứu; thuốc đắp, chườm và ẩm thực hỗ trợ trong đó xoa bóp bấm huyệt là phương pháp hiệu quả, an toàn để chữa bệnh này. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo. Có thể tiến hành ngày 1 lần, 2 - 4 tuần là một liệu trình.

Nguyên tắc: lấy huyệt nơi đau là chính. Bệnh mới thì tác động mạnh. Nếu bị đau đã lâu thì dùng phép bổ kết hợp cứu bằng điếu ngải cứu.

Phương huyệt: khúc trì, thủ tam lý, thiếu hải, tiểu hải, thiên tĩnh.

Phương pháp day bấm huyệt: Gập khuỷu tay đau để lên đùi, dùng đầu ngón tay cái của tay kia bấm lần lượt các huyệt, bấm rồi thả liên tục 15 lần cho mỗi huyệt. Tác dụng hành khí thông kinh lạc làm cho công năng của khuỷu tay bị thương hồi phục trở lại bình thường. Khi day bấm huyệt cần phối hợp động tác co duỗi, quay cánh tay để khớp khuỷu được vận động. Mỗi ngày có thể tiến hành bấm 1- 2 lần.

 Day bấm huyệt khúc trì.

Vị trí huyệt:

- Huyệt khúc trì: Co khuỷu tay vào ngực, huyệt ở đầu lằn chỉ nếp gấp khuỷu, nơi bám của cơ ngửa dài, cơ quay 1, cơ ngửa ngắn khớp khuỷu.

- Huyệt thủ tam lý: Dưới huyệt khúc trì 2 thốn, trên đường nối huyệt khúc trì và huyệt dương khê.

- Huyệt tiểu hải: Co khuỷu tay, huyệt ở giữa mỏm khuỷu và mỏm trên ròng rọc đầu dưới xương cánh tay, nơi tận cơ tam đầu cánh tay.

- Huyệt thiên tỉnh: Chỗ lõm trên đầu mỏm khuỷu xương trụ, trên khớp khuỷu 1 thốn, nơi gân cơ tam đầu cánh tay. 

Lương y Minh Chánh

 

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]