Dạy bé tính tự giác

Bi giật lấy chiếc ôtô đồ chơi của bạn làm cu Tồ khóc ré lên. Mẹ Bi liền lấy món đồ từ tay con đưa lại cho cậu bé kia rồi mắng: "Con hư quá". Bi khóc to và nhìn mẹ đầy tức giận. Nếu bạn muốn dạy con tính tự giác và biết cư xử đúng thì không nên làm như mẹ Bi.

0

Dạy con tự chịu trách nhiệm với những quyết định của mình.
Ảnh: Pro.corbis.com.

Tính tự giác sẽ giúp bé biết suy nghĩ về những việc nó làm và đưa ra các lựa chọn đúng đắn. Bạn có thể tham khảo các gợi ý dưới đây để khuyến khích tinh thần tự giác của con.

Dạy bé kiểm soát nội tâm

Nhiều cha mẹ sử dụng phần thưởng và sự trừng phạt để giúp con cư xử đúng đắn. Nhưng thực tế, điều đó thường phá hủy tinh thần tự giác của trẻ bởi nó khiến bé kiểm soát hành động do các tác nhân bên ngoài. Bé sẽ không biết cân nhắc vấn đề đúng hay sai và khó đưa ra các quyết định đúng.

Bạn có thể dạy con kiểm soát nội tâm bằng việc thay đổi cách nói chuyện với bé. Susan Fletcher, một nhà tâm lý học tại Dallas, Texas, Mỹ, gợi ý các bậc phụ huynh có thể tập trung và bản chất của sự việc chứ không phải bề nổi trong cuộc đối thoại với con. Ví dụ, bạn có thể hỏi: "Con có cảm thấy tự hào về mình không?" thay vì nói: "Bố mẹ tự hào về con". Cách này sẽ giúp bé tiếp cận vấn đề từ trong ra ngoài.

Bạn có thể giúp con có cơ hội tự kiểm soát mình trong khoảng thời gian cách ly. Khi đó, bé sẽ tách mình khỏi những tình huống khó xử, bình tĩnh suy nghĩ lại hành động của nó. Ngoài ra, bố mẹ có thể trò chuyện với con về những cảm xúc khi bé mất kiểm soát như la hét, khóc hay một vài hành vi mất bình tĩnh khác. Bé cần biết các cảm xúc đó là bình thường và ai cũng có lúc mất tự chủ và nếu gặp tình huống như thế, bé có thể đi vào phòng hoặc một góc yên tĩnh để bình tĩnh lại và thoát khỏi cảm giác căng thẳng.

Giao trách nhiệm cho trẻ

Trẻ sẽ tự giác khi có tinh thần trách nhiệm. Với các bé còn nhỏ, bạn có thể giao các công việc như lau bàn, thu dọn đồ chơi... Những việc phù hợp với lứa tuổi sẽ giúp bé cảm thấy mình tốt hơn, đồng thời biết quan tâm tới người khác.

Để trẻ đưa ra quyết định

Mặc dù trẻ chưa đủ khả năng và kinh nghiệm để quyết định mọi việc của nó nhưng bạn có thể khuyến khích con học các kỹ năng làm việc này càng sớm càng tốt. Khi có quyền lựa chọn, bé sẽ cảm thấy mình có quyền kiểm soát hơn.

Chẳng hạn, bạn để bé chọn uống sữa hay nước hoa quả vào bữa sáng hoặc hỏi con chơi đồ chơi gỗ hay Lego. Với các bé lớn hơn, bạn cho con thêm nhiều cơ hội lựa chọn. Tất nhiên, bạn nên để bé lựa chọn những thứ có thể chấp nhận được. Ví dụ, nếu bạn hỏi "Con muốn uống gì vào bữa sáng?", bé sẽ thích nhiều thứ ngoài tầm kiểm soát, ví dụ như kem. Tốt hơn hết, bạn nên đưa ra hai hoặc ba lựa chọn như "con muốn ăn xôi hay ăn phở?" và cần đảm bảo tất cả những thứ đó sẽ được chấp nhận và thực hiện.

Bố mẹ cũng cần giúp con hiểu cần có trách nhiệm với quyết định của mình. Ví dụ, nếu bé chọn sữa rồi không muốn uống nữa dù mẹ đã lấy, bạn có thể nói: "Đó là con muốn thế mà". Mẹ cũng nên an ủi con rằng bé có thể chọn uống nước hoa quả vào bữa trưa hoặc sáng hôm sau. Tuy nhiên, nếu bé thay đổi trước khi mẹ đổ sữa ra, bạn có thể linh động. Con trẻ cũng cần học cả cách linh hoạt và chịu trách nhiệm khi đưa ra quyết định.

Bạn cần giải thích cho trẻ thấy mọi lựa chọn đều có hậu quả kèm theo, có thể là tốt hoặc xấu. Khi con chọn thứ gì, sẽ phải từ bỏ thứ kia. Lựa chọn sẽ giúp bé tự giác bởi nó khuyến khích trẻ suy nghĩ về những thứ quan trọng nhất.

Để trẻ gặp sai lầm

Tất cả mọi người đều học hỏi qua những sai lầm. Bạn không nên từ bỏ cơ hội này của con. Nếu bé đưa ra một quyết định sai, thay vì giải quyết vấn đề cho con, bạn có thể thảo luận những việc mà bé cần làm để lần sau quyết định đúng hơn.

Ví dụ, nếu bé giật đồ chơi của bạn, mẹ không nên giật lại đồ của bé mà có thể giải thích với con: Việc giật đồ chơi của người khác là không chấp nhận được. Bạn cũng có thể hỏi con lần sau sẽ làm gì để mượn đồ chơi của bạn. Như vậy, bé sẽ có được bài học đáng giá.

Cảm thông

Buồn, giận hoặc thất vọng là những cảm xúc thường gặp khi chúng ta lựa chọn không đúng. Bố mẹ có thể thổ lộ với con việc họ cũng có những cảm xúc đó khi quyết định sai.

Bạn có thể tham khảo những gợi ý trên và tùy từng trường hợp, tùy cá tính của mỗi trẻ mà có cách vận dụng linh hoạt.

(Theo Làm Cha Mẹ)

 

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]