Dạy con bằng 'nắm đấm'

Trong khi hơn 90% trẻ cho biết đã bị mắng chửi và đánh thì chỉ có 1/4 số cha mẹ thừa nhận có hành vi này. Một khảo sát tại Việt Nam vừa tiết lộ.

0

Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ thầy cô giáo không nên trừng phạt về tinh thầnthể chất của trẻ. Ảnh: Corbis.com.

Đó là kết quả của một nghiên cứu về trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em Việt Nam, do Viện Khoa học dân số, gia đình và trẻ em (Bộ Y tế) phối hợp thực hiện cùng các đơn vị như Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Thụy Điển, Tổ chức Plan tại Việt Nam.... Nghiên cứu được thực hiện từ năm 2005 và mới đây công bố.

Nghiên cứu được tiến hành trên 500 trẻ còn đi học, độ tuổi 9-14 thuộc các dân tộc Dao, Hơ-rê, Kinh, Mông và Nùng và hơn 300 người lớn ở Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ngãi và TP HCM.

Trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em là những hành động bao gồm: sử dụng vũ lực, lời nói hoặc các hành vi khác nhằm gây ra đau đớn về thể chất và tinh thần cho trẻ.

Kết quả cho thấy, có tới 94% trẻ em cho biết mình bị phạt thân thể và tinh thần tại nhà, và 93% cho biết bị phạt tại trường.

Hình thức trừng phạt thể xác bao gồm: đánh bằng tay hay bằng đồ vật (như gậy, thắt lưng, roi , giầy…) đá, véo, giật tóc, buộc trẻ phải ngồi hay quỳ trong các tư thế khó chịu hay nhục hình. Hình thức trừng phạt về tinh thần gồm: dùng lời nói để sỉ nhục, doạ dẫm, chửi bới, xa lánh hay bỏ mặc trẻ.

Bên cạnh đó còn có một số hình phạt tàn bạo như: dí điện, buộc chân kéo lên rồi thả xuống giếng, treo ngược lên cây trong nhiều giờ, bị buộc vào xe máy và bắt chạy đến khi ngã, sau đó lôi xềnh xệch sau xe...

Tuy nhiên, ngược với những lời kể của trẻ về mức độ bị phạt mà chúng phải chịu, đại đa số người lớn đều nói rằng, họ không sử dụng các hình thức phạt về thể xác, tinh thần và nếu có cũng chỉ rất nhẹ.

Chỉ 5% số giáo viên thừa nhận có phạt trẻ bằng cách bắt đứng vào góc phòng. 5% phạt trẻ bằng cách bắt trẻ viết bản tự kiểm điểm hoặc bắt đứng nhận lỗi trước lớp. 20% số bậc cha mẹ thừa nhận có chửi mắng con và 13% có đánh đập con cái.

Nguyên nhân là do nhiều bậc cha mẹ cho rằng việc đánh con là quyền của họ. Quan niệm “yêu cho roi cho vọt” còn ảnh hưởng rất mạnh trong xã hội Việt Nam. Hầu như mọi người vẫn tin rằng nếu yêu con mình thì phải dùng roi vọt để dạy chúng. Nhiều bậc cha mẹ coi đó là hình thức kỷ luật có thể chấp nhận được.

Trong khi đó, theo tiến sĩ Đỗ Ngọc Khanh, nghiên cứu viên Viện Tâm lý, việc trừng phạt có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Những hành vi đánh trẻ có thể khiến các em bị đau, nếu nghiêm trọng có thể gây nên các chấn thương. Nhưng điều quan trọng hơn cả là nỗi đau về tinh thần do việc bị đánh, mắng chửi.

Các em thấy buồn, có tội và bị tổn thương khi phải chịu các hình thức phạt thân thể và tinh thần. Các biện pháp trừng phạt tinh thần như nhục mạ, làm trẻ xấu mặt trước bạn bè, nói rằng trẻ “mất dạy”, chì chiết về những lỗi lầm của trẻ, có ảnh hưởng nặng tới lòng tự tôn của trẻ so với trừng phạt thể chất.

Việc trẻ bị phạt khi làm sai (xử sự không đúng như người lớn mong muốn) sẽ làm giảm sự sáng tạo của trẻ, khiến trẻ trở nên thụ động. Với những lần bị đánh, trẻ "học" được rằng ai lớn và khoẻ hơn thì có thể phạt và đánh những người bé hơn và yếu hơn mình.

Theo các chuyên gia, trừng phạt về thể chất và tinh thần không phải là cách giáo dục tốt nhất dành cho trẻ. Thay vì đánh, mắng con, cha mẹ và các thầy cô giáo có thể áp dụng một số các biện pháp kỷ luật tích cực như giải thích và nói chuyện để giúp trẻ hiểu vấn đề. Ngoài ra có thể cắt tiền quà vặt, không cho đi chơi, bắt trẻ làm việc nhà, và không mua đồ chơi cho trẻ.

Nam Phương

 

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]