Dạy con cách hành xử khi bị bạo lực học đường

Bị bạn ăn hiếp, nói xấu, xa lánh không cho chơi cùng... đều là những ví dụ điển hình của tình trạng bạo lực học đường.

15.621

1. Hãy nói với con, thế giới này tươi đẹp nhưng cũng rất tàn khốc

Nhiều cha mẹ luôn nghĩ rằng con mình còn nhỏ và ngây thơ, không nên để các bé thấy những mặt tối của xã hội mà hãy chỉ sống trong 'thế giới màu hồng'. Vậy nhưng chính điều này lại khiến nhiều bé hoang mang và không biết xử trí thế nào khi trở thành nạn nhân của nạn bạo lực học đường. Cha mẹ hãy để các bé dần dần tiếp xúc với những sự kiện, tin tức xã hội. Nếu có những vấn đề bé không hiểu thì bạn phải kịp thời giải thích, phân tích cho bé thế nào là đúng, sai. Thậm chí bạn có thể cùng bé tranh luận xem khi gặp phải trường hợp này, trường hợp kia thì nên giải quyết thế nào.

Hãy nói với con rằng thế giới ngoài kia còn nhiều tệ nạn, tuy chúng ta không thể thay đổi được sự thực đó nhưng mỗi người đều phải phấn đấu để làm những điều tốt đẹp. Hãy dạy con đối mặt với hiện thực khắc nghiệt, từ đó không chỉ học cách tự bảo vệ mình mà còn giúp đỡ những người xung quanh.

Hãy dạy con đối mặt với hiện thực khắc nghiệt, để biết tự bảo vệ mình và giúp đỡ những người xung quanh (Ảnh: Internet)

2. Bố mẹ luôn sẵn sàng giúp đỡ khi con gặp khó khăn

Khi bé lớn dần lên, bố mẹ nên để bé hình thành thói quen tự lập, tự mình giải quyết các vấn đề dù thành công hay thất bại, vì có 'vấp ngã' mới có 'đứng lên'. Thế nhưng có một số chuyện trẻ vẫn chưa thể đối mặt một mình và bạo lực học đường là một ví dụ. Vì thế cùng với việc khuyến khích trẻ tự lập, cha mẹ cũng hãy luôn là nguồn động viên, là chỗ dựa vững chắc cho các con. Hãy để bé biết rằng bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ bé bằng những kinh nghiệm của bản thân. Cha mẹ cần cho bé biết: 'Con yêu, đừng sợ hãi khi gặp khó khăn vì cha mẹ sẽ luôn ở bên cùng con đối mặt'.

Ngoài ra, bạn cũng nên dạy bé cách trao đổi ý kiến với giáo viên. Nhiều em nhỏ rất kính trọng thầy, cô giáo nhưng đồng thời cũng luôn có cảm giác ngại ngùng, không muốn hoặc không dám nói chuyện, giao lưu với thầy cô. Đây là một trong số những lí do khiến nhà trường phát hiện muộn các trường hợp học sinh bị bạn bè bắt nạt.
Bạn hãy dạy con rằng thầy cô giáo ở trường cũng như cha mẹ ở nhà, là người mà con có thể tin tưởng để giúp con giải quyết những khúc mắc, bất công, vì vậy đừng ngại trao đổi với thầy cô về những khó khăn con gặp phải trong học tập và đời sống.

3. Dạy con cách tự vệ trong những trường hợp phát sinh bạo lực

Giữa các em nhỏ đôi khi có xảy ra mâu thuẫn, dễ dẫn đến xô xát. Cha mẹ hãy nói với bé rằng nắm đấm không giải quyết được vấn đề mà chỉ làm con và các bạn bị tổn thương, vì vậy hãy cố gắng bình tĩnh và tìm cách dàn hòa. Nhẫn nhịn là điều cần thiết trong cuộc sống, khi con biết nhẫn nhịn thì suy cho cùng mình cũng không thiệt thòi gì. Trong trường hợp kẻ bắt nạt là người lạ mặt và to lớn hơn mình, hãy dặn các con la hét thật lớn và cố gắng chạy đến nơi đông người.

Nếu không thể trốn thoát thì trước hết hãy đáp ứng các yêu cầu của chúng để tự bảo vệ mình, nhưng sau đó hãy lập tức báo cho người thân. Đừng sợ hãi trước những lời đe dọa vì làm như vậy chẳng khác nào tiếp tay cho tình trạng bạo lực tiếp tục diễn ra.

Thanh Lê

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]