Dạy con học hiệu quả

"Hưng, sao con lại đi quay bài của bạn thế hả?", vừa dứt cuộc nói chuyện điện thoại với cô giáo, anh Trung tức giận quay sang mắng con. Thằng bé nem nép: "Tại con sợ bị điểm kém như lần trước, bố lại phạt".

15.5963

Ảnh: Pro.corbis.com.

Nhiều bậc cha mẹ quá coi trọng điểm hay thành tích học tập của con mà vô tình tạo áp lực lên chúng. Điều này chỉ làm cho trẻ thêm hoảng sợ và chán nản học hơn thôi. Bố mẹ nên khuyến khích con học một cách hiệu quả và giúp trẻ cảm thấy thoải mái tự tin tiếp nhận kiến thức mới và không ngại hỏi những gì chưa biết.

1. Hãy là bạn học của con cái: Việc con chưa nắm vững những kiến thức vừa được thầy cô truyền dạy là hết sức bình thường. Cha mẹ đừng coi đó là lỗi để mắng nhiếc trẻ, gây cho chúng sự căng thẳng không cần thiết.

Việc tiếp thu kiến thức phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kỹ năng truyền đạt của thầy cô, sở trường của học sinh, trạng thái tâm lý, sức khỏe... Nếu con bạn chưa thực sự hiểu bài hoặc còn điều gì đó nghi hoặc hãy nói cho chúng biết, cha mẹ có thể trợ giúp con những gì có thể.

Bố mẹ nhẹ nhàng tìm hiểu và giảng giải ngọn ngành cho con, thì chúng mới dám mạnh dạn trình bày. Có nhiều em vì sợ bố mẹ mắng mà không dám hỏi, khiến cho vốn kiến thức ngày càng bị hổng, ảnh hưởng đến quá trình học tập.

2. Thảo luận về kết quả: Đôi khi điểm số không thực sự phản ánh đúng năng lực học tập. Vì vậy, bạn đừng quá quan trọng hóa kết quả làm bài của con, gây cho chúng áp lực đối phó. Nhưng bố mẹ cũng đừng tỏ ra quá thờ ơ khiến trẻ nghĩ có bị điểm xấu cũng chẳng hề gì.

Bố mẹ nên thường xuyên kiểm tra bài vở của con, xem kết quả học tập ra sao. Bạn có thể lấy những bài điểm tốt ra, nêu các ưu điểm trong cách làm và khuyến khích con phát huy thế mạnh đó. Bố mẹ nên xem kỹ hơn các bài nhiều chỗ sai, chủ động hỏi con chỗ nào chưa hiểu, vì sao lại giải như vậy để tìm ra lỗ hổng trong kiến thức, giúp chúng lần sau gặp vấn đề như vậy, có thể giải quyết một cách chính xác.

3. Tạo thói quen học tập tốt: Ngay từ khi con bạn bắt đầu cắp sách đến trường, phải tạo cho chúng một thói quen học tập tốt. Chẳng hạn: Vào bàn học đúng giờ quy định, tập trung cao độ khi học, ôn bài cũ và chuẩn bị kỹ bài mới, mở rộng kiến thức trên lớp,... Khi đã hình thành thói quen đó, việc học của con sẽ đơn giản hơn, trẻ sẽ không coi đó là việc bắt buộc và khó chịu.

4. Đừng so sánh: Không nên cho trẻ cảm thấy thỏa mãn với điểm số mà chúng đạt được nhưng cũng đừng so sánh với anh chị hoặc bạn bè. Như vậy sẽ khiến con nghĩ những hình thức gian lận trong học tập để đạt kết quả cao nhằm thỏa mãn mong muốn của cha mẹ. Bố mẹ nên tạo tâm lý thoải mái, đừng đặt nhiều kỳ vọng về điểm số để trẻ cảm thấy đà áp lực.

5. Hướng dẫn trẻ biết cách sắp xếp thời gian và chia nhỏ những việc cần làm, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy” để không ôm đồm nhiều thứ cùng lúc. Vì như thế, chúng sẽ rơi vào trạng thái khủng hoảng và sợ học.

(Theo Phụ Nữ)

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]