Dạy con ngoan: Những sai lầm khi kỷ luật con cái

Nuôi nấng con cái là một kỹ thuật nhưng dạy dỗ chúng mới là một nghệ thuật mà không phải ông bố bà mẹ nào cũng lĩnh hội được. Các bậc phụ huynh đã mắc nhiều sai lầm trong khi kỷ luật con trẻ mà những sai lầm này hoàn toàn có thể khắc phục được.

15.5846

Không giữ được bình tĩnh
Khi bạn thường la hét, chửi mắng con mình thì đến một lúc nào đó chúng có thể “đáp trả” lại với bạn y như thế. Trẻ con có xu hướng bắt chước và chịu sự ảnh hưởng từ những hành vi, thái độ của người lớn cho nên trước tiên bố mẹ cần tránh những phản ứng tiêu cực trong khi xử trí con mình. Luôn giữ thái độ bình tĩnh, ôn tồn và mềm mỏng khi khuyên răn con trẻ sẽ là một giải pháp hiệu quả hơn bởi tất cả trẻ con đều đáp ứng tốt với những yêu cầu hay mệnh lệnh nhẹ nhàng nhưng “có trọng lượng” hơn, đúng với câu: “Lạc mềm nhưng buộc chặt”.

Bố mẹ “bất đồng quan điểm” về các phép tắc
“Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” là một tình trạng thường gặp với những ông bố bà mẹ hay “bất đồng ý kiến” khi dạy dỗ con cái. Ví dụ, bố đề ra luật: “Không được xem TV trong khi ăn cơm” nhưng những khi không có bố ở nhà, mẹ lại chiều con bằng việc cho con xem TV trong khi ăn cơm hoặc là bố mẹ lại xem TV trong khi chính bố mẹ ăn cơm. Hậu quả là con trẻ sẽ xem thường và bất tuân theo những quy tắc do bố mẹ đề ra. Cho nên khi áp đặt con trẻ bằng một luật lệ nào đó, trước tiên bố mẹ cần phải thống nhất quan điểm với nhau và với chính bản thân mình.

Kỷ luật con không đúng cách không có tác dụng dạy con ngoan mà càng làm tình cảm giữa ba mẹ và con cái rạn nứt

Xem trẻ là người lớn
Mặc dù bố mẹ luôn muốn con cái của họ biết rằng chúng có tiếng nói riêng trong gia đình nhưng điều đó không có nghĩa con cái ngang hàng với bố mẹ trong mọi việc. Đừng nên coi trẻ là người lớn mà có tự do muốn làm gì thì làm. Con cái vẫn cần phải phục tùng theo những quy tắc hay sự phân công của bố mẹ nhất là trong công việc nhà.

Hối lộ
Bạn muốn con mình sửa sai nhưng bạn lại trọng thưởng khi con sửa sai, ví dụ như: “Hôm nay con chưa tự dọn đồ chơi cho mình. Nếu con dọn đồ chơi thì mẹ sẽ mua bánh cho con ăn.” Điều này vô tình bạn đã “hối lộ” bé làm theo điều mình mong muốn. Thay vào đó, bạn cần tỏ rõ thái độ: dù có hay không có phần thưởng thì bé vẫn phải dọn đồ chơi của mình. Đối với những quy tắc, bố mẹ cần dạy cho trẻ cách thực hiện và sửa sai ngay khi phạm lỗi mà chẳng cần phải hối lộ một điều gì.

Bố mẹ nên thận trọng khi đưa ra những lời ca ngợi hay khen tặng con trẻ quá nhiều hoặc quá ít. Nếu bố mẹ ‘hào phóng’ lời khen dành cho con cái khi làm được một việc tốt nào đó thì chúng sẽ có cảm giác ‘hụt hẫng’ khi không còn nhận được những lời  tán thưởng như thế. Ca ngợi con vừa phải, “đúng người đúng việc” sẽ có ‘hiệu ứng’ hơn và giúp hình thành sự tự trọng nơi con trẻ.

Tiền hậu bất nhất
Bố mẹ cần phải nhất quán trong cách dạy con cũng như trong các biện pháp kỷ luật con để tránh tình trạng con trẻ cảm thấy “bối rối” trước những chỉ dẫn và yêu cầu của bố mẹ. Ví dụ như: nếu bố mẹ quy định một hành động A dẫn đến một kết cục B thì bố mẹ phải luôn luôn thực hiện theo đúng quy tắc ấy.

Hình phạt không đúng tội
Những hình phạt nên xuất phát một cách tự nhiên và hợp lý từ những hành vi có thể bị trừng phạt của trẻ. Nếu hình phạt không công bằng, bạn có thể sẽ mất cơ hội “dạy dỗ” con cái bằng những biện pháp kỷ luật bởi lúc này con bạn chỉ mãi chú tâm vào việc bố mẹ phạt mình bất công.

Không phải ai cũng có thể trở thành ông bố bà mẹ hoàn hảo. Trong quá trình giáo dục con cái, đôi lúc chúng ta cũng không tránh khỏi những sai sót, nhất là khi sử dụng các hình thức kỷ luật đối với trẻ. Điều quan trọng là chúng ta nên biết mình sai ở đâu và sửa chữa sai lầm ấy trước khi quá muộn.

M.T

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]