Dạy con như người Nhật

Sáng nay, một người bạn làm việc trong một công ty của Nhật chia sẻ với bạn bè "Mười ba điều bạn chưa biết về người Nhật", những điều cực kỳ giản dị nhưng làm người đọc phải hết sức khâm phục.

0

Đọc E-paper

Điều thứ nhất: "Hằng ngày đến trường, mỗi học sinh (từ cấp tiểu học) phải cùng giáo viên làm vệ sinh trường lớp trong vòng 45 phút. Điều này mở ra một thế hệ người Nhật khiêm tốn và ưa thích sự sạch sẽ”.

Thời gian 45 phút bằng một tiết học, có thể gọi là giờ học lao động, học giữ vệ sinh và bảo vệ môi trường. Bền bỉ bao nhiêu năm trên ghế nhà trường, một người Nhật trưởng thành đã trải qua hàng trăm tiết học đó.

Vì thế, người Nhật lớn lên ai cũng hiểu cặn kẽ phải bảo vệ môi trường, thích vệ sinh sạch sẽ cho bản thân và ở nơi công cộng. Đúng là để làm được điều này không cần đến một cuộc cải cách giáo dục nào, chỉ cần đưa nó vào trường học và để nó diễn ra một cách nghiêm túc.

Hằng ngày, học sinh nước ta cũng có trách nhiệm trực nhật, cách vài tuần mỗi cá nhân được phân công làm vệ sinh lớp một lần. Thế nhưng, khoảng chục năm nay, khi đời sống đã khá lên, rất nhiều trường có sáng kiến thu tiền của phụ huynh để thuê người quét dọn, không để các em tự làm việc này nữa với lý do là sợ các em làm không quen rồi làm bẩn quần áo, không tiếp tục học được.

Phụ huynh thì hoan nghênh ngay sáng kiến nộp tiền, thuê người quét lớp để con em mình được thảnh thơi. Và vì tâm lý đã có dịch vụ vệ sinh, không phải tự tay quét dọn lớp học nên học sinh thoải mái xả rác trong trường, trong lớp.

Hết hai tiết học, trong hộc bàn, dưới đất đầy vỏ hộp sữa, bao giấy bọc bánh kẹo, giấy vụn... Và không ai thấy như vậy là chướng mắt bởi đã có dịch vụ vệ sinh dọn dẹp. Ý thức không được vun đắp từ tuổi ấu thơ, làm sao đứa trẻ lớn lên hiểu được cần sống văn minh, có ý thức nơi công cộng?

Cùng chủ đề này, người Nhật rất ít sử dụng dịch vụ "giúp việc nhà”. Họ tự tay thu xếp và dạy con làm những việc phù hợp với lứa tuổi và điều kiện sống. Bọn trẻ lớn lên có thể nhanh chóng tự lập, xây dựng cuộc sống riêng. Nghe chuyện này, nhiều phụ huynh thấy thật hổ thẹn khi con mình đã 15 tuổi mà không biết tự tay giặt cái khăn mặt cho sạch, không thể nấu được tô canh, tô mì gói.

Các cô thiếu nữ tốt nghiệp phổ thông trung học luôn lấy cớ phải học để trốn làm việc nhà dưới sự tiếp tay của chính các bà mẹ thương con không đúng cách. Các cậu con cưng 15 - 17 tuổi đến trường, đi học thêm đều phải có người đưa đón bởi phụ huynh không dám "thả ra", sợ tai nạn giao thông, sợ con vướng vào tệ nạn.

Thế rồi bây giờ mỗi mùa Hè, nhiều bậc phụ huynh phải đóng tiền gửi con đến các chương trình "Học kỳ quân đội" để học các kỹ năng tồn tại trong thiên nhiên, học cách ứng xử trong một tập thể..., tất cả vốn là những điều phải cân nhắc, rèn luyện cho con từ lúc thiếu thời, nên giờ liệu có thể bỏ tiền ra để giải quyết trong vòng 10 ngày?

Nhiều vị phụ huynh cứ nuôi con trong một "cái lồng" toàn sự ngọt ngào, đến lúc con trưởng thành, cho đi du học mà cứ thấp thỏm không biết con làm sao có thể tự chăm sóc bản thân ở chốn xa lạ. Họ chỉ đầu tư cho con về học vấn, còn kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống trong cuộc sống thì không được rèn luyện.

Thử nghĩ xem liệu có tấm bằng nào có thể giúp các cô chiêu, cậu ấm ra quản trị tốt doanh nghiệp họ được thừa kế từ cha mẹ nếu như không có các kỹ năng mềm trải nghiệm từ gia đình đến xã hội.

Còn rất nhiều điều tuyệt vời mà người Nhật áp dụng vào nền giáo dục trong gia đình và nhà trường, điều họ làm đương nhiên đúng, bởi nước Nhật đã đào tạo được mấy thế hệ người Nhật mới, văn minh, sống có lý tưởng và rất thực tiễn, những thế hệ đã làm nên một nước Nhật cường quốc kinh tế từ đống tro tàn của Thế chiến thứ 2.

KHẢI LY
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]