Dạy con: Những lý do nuôi con mọn mà vẫn nhàn tênh của mẹ Tây

Dạy con: Những lý do nuôi con mọn mà vẫn nhàn tênh của mẹ Tây. Cô con gái 2 tuổi của tôi khá độc lập, tính tình hòa nhã cởi mở, gặp ai cũng tươi cười chào hỏi thân thiện. Cháu ăn uống rất tốt, hầu như không từ chối món gì, tới giờ ăn là tự kéo bàn ăn ra rồi tự xúc ăn rất ngon lành. 8 giờ tối, cháu chào bố mẹ rồi đi vào phòng ngủ riêng. Tôi chỉ đi theo vào phòng đắp chăn cho con, hôn nhẹ lên trán con chúc ngủ ngon, rồi tắt đèn đi ra... 7 giờ sáng hôm sau, cháu tỉnh dậy và đánh thức bố mẹ bằng một bài hát.

15.6023

Ngủ riêng

Việc đầu tiên là phải cho con ngủ riêng, nếu không có phòng riêng cho con thì cũng phải có giường (cũi) riêng cho con. Nhiều người vẫn còn quan niệm rằng "cho con ngủ chung mới tình cảm". Nhưng tôi không tin rằng những kẻ sát nhân giết chính cha mẹ đẻ của mình đều là vì... cha mẹ cho ngủ riêng.

Không gian yên tĩnh, giúp trẻ ngủ sâu hơn

Ngủ riêng cũng là tạo một không gian riêng êm ái cho con, con không bị thức giấc bởi tiếng ho của bố, hay cái trở mình của mẹ. Đồng thời bố mẹ cũng được ngủ ngon khi không có con cựa mình.

Trẻ con là vậy, cho dù nó không ngủ được nó sẽ phải học cách tự ru ngủ. Cha mẹ chỉ cần tạo điều kiện cho con, khi con đi ngủ phòng ngủ phải tối đen, không có chút ánh sáng, cũng không có một âm thanh nào. Có thể nửa đêm con sẽ dậy nhưng khi thấy xung quanh tối om và yên ắng nó sẽ tự quay lại giấc ngủ.

Nếu ngủ với cha mẹ thì thường cha mẹ sẽ cố dỗ con ngủ, trẻ sẽ nhõng nhẽo và đòi được ôm ấp. Cứ thế con sẽ hình thành thói quen xấu là nửa đêm dậy chỉ để được nhõng nhẽo và vô tình cha mẹ tạo điều kiện cho con có thói quen xấu đó.

Không bồng bế

Tôi nuôi con một mình, lúc từ bệnh viện về nhà tôi vừa cho con bú, vừa chăm sóc vết mổ đồng thời vẫn phải vào bếp nấu nướng, rửa chén bát. Việc mở tủ lạnh lấy thức ăn (điều kiêng kị nhất với gái đẻ) thì tôi lại phải làm thường xuyên vì không làm thì ai làm? Nếu tôi bồng bế con suốt ngày thì lấy ai nấu nướng cho tôi ăn để có sữa cho con?

Và tôi đã có một vật dụng vô cùng hữu ích, đó là chiếc ghế nằm đu đưa (bouncing chair). Sáng sáng tôi đặt con vào đó, nó rất thích thú vì được nằm xem mẹ làm việc nội trợ, tôi vừa làm vừa hát và nói chuyện với con. Và con tôi chưa bao giờ có khái niệm "đòi bế" cho đến khi về Việt Nam lần này, khi cháu 2 tuổi. Cháu được ông bà và người giúp việc nuông chiều thay nhau bế và cháu đã nhanh chóng học được cách sai khiến họ bế bất kỳ lúc nào cháu muốn. Tôi vô cùng thất vọng vì điều này!

Ở Thụy Sỹ cháu rất thích được đi bộ tới trường, cháu không bao giờ muốn tôi bế kể cả khi qua đường. Để an toàn tôi bế con lên nhưng cháu thường giãy dụa đòi xuống đi bộ sang đường, nhiều khi vấp ngã giữa đường làm các xe phải dừng lại xếp thành một hàng dài. Nhưng tôi vẫn kiên nhẫn chờ con tự đứng dậy, phủi tay rồi đi tiếp.

Việc thay nhau bồng bế không giúp làm trẻ ngoan hơn mà ngược lại, nó tạo thói quen rất xấu cho trẻ sau này là sai khiến người lớn bế mình, kể cả khi trẻ 3-4 tuổi.

Hãy là một tấm gương tốt

Trẻ con phản ánh hành động và thái độ của người lớn. Nếu cha mẹ hay quát tháo dọa nạt con thì con cũng sẽ quát người khác, kể cả người lớn. Nếu cha mẹ đánh con thì con cũng sẽ bạo lực với các bạn. Ngược lại, cha mẹ hòa nhã hay cười thì con cũng sẽ luôn thân thiện với người ngoài. Vợ chồng tôi có lần to tiếng với nhau và con tôi đã hét rất to để át tiếng bố mẹ. Chúng tôi đã học được bài học này và không bao giờ to tiếng với nhau nữa, ít nhất là trước mặt con.

Trong công việc chúng ta không tránh khỏi những bực dọc hay stress ở cơ quan nhưng tôi luôn tự nhủ không được mang những thứ đó về nhà. Cho dù mệt mỏi stress đến đâu, khi gặp con tôi cũng cười rất tươi, hỏi han con đủ thứ và cùng hát với con những bài hát con yêu thích. Hình ảnh thường thấy là sau giờ làm, tôi tất tả chạy đi đón con và 2 mẹ con dắt tay nhau về, vừa đi vừa hát. Tôi không ngại hát to những bài thiếu nhi mà tôi say sưa hát cùng con, việc đó cũng giúp tôi quên đi những muộn phiền trong công việc.

Con tôi chưa bị quát bao giờ mà chỉ cần tôi nghiêm mặt và nói "No" là nó đã khóc nức nở, tỏ vẻ biết lỗi và ôm lấy mẹ. Khi được tôi ôm vào lòng và giảng giải tại sao con không nên làm thế là cháu hết khóc. Tôi nghĩ cách giáo dục này tốt hơn nhiều là mang roi ra dọa hoặc đánh cháu. Nó chỉ làm cho cháu thù ghét bố mẹ chứ không làm cháu nhận ra vấn đề.

Thói quen, thói quen và thói quen

Hãy tạo thói quen tốt cho trẻ ngay từ lúc lọt lòng. Ngày đầu tiên từ bệnh viện về nhà tôi đã huấn luyện cho con có thói quen ăn ngủ đúng giờ. Để làm được như vậy chính người mẹ phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch sinh hoạt đã đề ra.

Trẻ sơ sinh không phân biệt được ngày và đêm nên chúng thường thức dậy lúc nửa đêm về sáng. Khi cho trẻ đi ngủ phải luôn đảm bảo phòng ngủ tối như bưng, không có 1 chút ánh sáng nào trong phòng. Ngược lại, buổi sáng thì mở hết cửa sổ ra cho ánh sáng tràn vào. Ban ngày thì bật nhạc tưng bừng, khua khoắng nồi niêu trong bếp như bình thường. Dần dần trẻ sẽ ý thức được rằng cứ trời sáng, nhiều tiếng động thì là thời gian thức và chơi. Khi nằm trong bóng tối có nghĩa là đi ngủ. Đây là bước đầu rất quan trọng để tạo thói quen ngủ đúng giờ cho trẻ.

Đến giờ ăn cũng vậy, luôn tuân thủ giờ giấc ăn uống của con. Một khi đã thành thói quen trẻ sẽ rất tự giác, thậm chí sẽ nhắc nhở khi bố mẹ quên cho ăn. Khi ăn cho con ngồi vào ghế ăn riêng (high chair) không bật TV, không bày đồ chơi trên bàn ăn. Nếu có thì chỉ là chiếc thìa dĩa bằng nhựa để con tập xúc ăn. Như vậy trẻ sẽ có thói quen khi ăn là chỉ tập trung vào thức ăn mà thôi.

Nhớ rằng trẻ con không sinh ra đã có thói quen, chính cha mẹ là những người tạo thói quen cho con. Vì vậy hãy tạo thói quen tốt cho con thay vì than phiền rằng con mình có nhiều thói quen xấu.

Yêu thương và nghiêm khắc

Hãy luôn tỏ ra yêu thương con và đừng ngại thể hiện tình yêu với con. Bạn sẽ vô cùng hạnh phúc khi thấy con đáp trả lại bằng tình yêu của nó dành cho cha mẹ. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là cưng chiều con, con muốn gì cũng được. Trẻ con thông minh hơn bạn tưởng, chúng biết tìm ra điểm yếu của cha mẹ để điều khiển cha mẹ làm theo ý muốn của mình. Nếu chỉ một trong hai người nghiêm khắc chúng sẽ luôn tìm đến người không nghiêm khắc để đòi hỏi, khóc lóc, mục đích làm xiêu lòng người này chiều theo ý muốn của chúng. Đừng để trẻ con điều khiển gia đình bạn. Cha mẹ mới là người lèo lái con thuyền gia đình.

Nếu trẻ đòi một đồ vật gì mà bố mẹ không cho thì nó sẽ hét lên, khóc lóc ăn vạ. Đó là điều rất đỗi bình thường, 100% trẻ con hành xử như vậy. Tuy nhiên, điều khác biệt duy nhất tạo nên 1 đứa trẻ ngoan hay hư lại là phản ứng của cha mẹ.

Nếu cha mẹ sợ con khóc, vội vã đưa ngay cho con vật nó muốn thì cha mẹ đã thất bại trong việc dạy con và cho phép nó điều khiển mình. 1 lần như vậy trẻ sẽ nắm được ngay điểm yếu của bạn là “sợ con khóc” và từ đó nó sẽ luôn luôn khóc khi muốn bất cứ thứ gì.

Ngược lại, nếu bạn nói “Không” dứt khoát và bỏ đi thì trẻ sẽ học được bài học rằng nó sẽ không có được vật đó dù có ngồi khóc cả ngày. Dĩ nhiên không có trẻ con nào ngồi khóc cả ngày vì trẻ con rất mau quên. Hãy đưa cho trẻ 1 đồ chơi khác lành mạnh hơn và nó sẽ quên ngay cái nó muốn mà không được!

Cha mẹ lúc nào cũng có thể yêu thương con mà không phải nuông chiều con, cha mẹ lúc nào cũng có thể nghiêm khắc mà không cần đánh đập con.

Theo nguồn:giadinh.net.vn

Video hot nhất trong tuần

Chuyên đề Liên Quan:

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]