Dạy con theo lối mòn

Cả ông bà Tư đều là cán bộ viên chức Nhà nước đã nghỉ hưu. Lúc còn tại chức, ông bà mải lo làm ăn, chẳng mấy chú ý đến con cái. Vì vậy, tuy nhà giàu có, nhưng anh Long - con trai lớn của ông bà học hành rất kém, mãi không tốt nghiệp phổ thông.

0

Thỉnh thoảng, anh cũng lấy cắp tiền, nói dối bố mẹ để đi chơi... Ông bà cũng biết, nhưng phần vì cho rằng lọt sàng xuống nia, phần vì chẳng có thời gian nên cũng cho qua.

Khi anh Long lớn lên, ông bà chạy chọt, gửi gắm một chỗ làm kha khá cho con... Anh Long tuy kém cỏi nhưng lại có việc làm ổn đinh, đảm nhận chức vụ còn hơn bạn bè cùng lứa học hành đàng hoàng. Lo cho con xong thì ông bà Tư cũng về hưu, ở nhà chăm cháu. Lấy kinh nghiệm từ việc giáo dục con của mình, ông bà rất dễ dàng thoải mái mà không khuyên răn dạy bảo gì đứa cháu đích tôn.

Đã vậy anh Long cũng nghĩ như cha mẹ, chẳng lo kèm cặp, hướng dẫn con trong việc học hành, lại nuông chiều con trai còn hơn ngày xưa ông bà Tư nuông chiều anh. Con học kém thì anh chạy thầy, lo cho nó lên lớp. Học trường công không nổi thì vô trường tư. Con ăn cắp tiền thì anh bảo nó có “năng khiếu” sau này biết cách moi tiền thiên hạ. Con đánh nhau với bạn bè thì anh khen "khôn ngoan đá đáp người ngoài". Thậm chí, thằng bé hỗn hào với thầy cô, anh cũng bênh: "Cháu giỏi lý lẽ”. Ai góp ý anh đều trả lời: "Tôi ngày xưa còn hư hơn nó nhiều nhưng bây giờ cũng là người thành đạt. So với những bạn học ngày trước giỏi giang mà có bằng tôi bây giờ đâu? Học tốt mà dốt đời thì cũng vứt".

Anh cứ nghĩ rồi thằng con sẽ đi theo con đường của anh, một “lối tắt" vào đời thật dễ dàng mà không phải qua rèn luyện. Nhưng mỗi thời mỗi khác, anh quên rằng ngày xưa tệ nạn xã hội không nhiều. Còn bây giờ xã hội từng giờ đầy rẫy những cạm bẫy đang chờ những đứa trẻ thừa tiền mà thiếu giáo dục như con anh Long. Mặt khác, gia đình hiện đại chỉ có một hai con, ai cũng chăm sóc, dạy bảo con mình từng li, từng tí để không thua kém bạn bè.

Ngày xưa, ông bà Tư sai lầm trong việc giáo dục, nhưng "may mắn" anh Long cũng kiếm được chút thành đạt. Nay anh Long lấy “gương cũ” ra để dạy con. Nhưng “may mắn” đâu có đến hoài, ai lại cả cuộc đời của con mình trông chờ vào sự may rủi. Người ta dẫn con ra đường rộng, còn anh lại nhè lối mòn mà đưa con vào.

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]