Dạy con trẻ: Khen – chê thế nào mới đúng cách?

VOV.VN -Những lời chê không đúng cách cũng có thể gây tổn hại đến tinh thân của trẻ và để lại hậu quả lâu dài.

15.586

Hội thảo Kỷ luật không nước mắt vừa diễn ra ngày 14/5/2015 tại Hà Nội đã mang đến một quan niệm mới về phương pháp giáo dục con trẻ.

Khởi động từ năm 2012 với hàng loạt hội thảo được tổ chức tại TP HCM và Hà Nội, “Kỷ luật không nước mắt” thực hiện bởi diễn giả Trần Thị Ái Liên – thạc sỹ Chính sách Công đại học Berkeley (Mỹ), đã thu hút hơn 45 nghìn lượt tham gia mọi lứa tuổi.

Với tiêu chí  Từ chối bạo lực trong cuộc sống hàng ngày, Ths Ái Liên đã đưa ra những cơ sở đầy thuyết phục về tác hại của bạo lực đối với trẻ nhỏ. “ Viện Hàn lâm Y khoa Hoa Kỳ khẳng định: Không có trường hợp nào chính đáng để sử dụng bạo lực với trẻ em. Bạo lực, chê bai sẽ khiến cho cơ thể tiết ra chất Cortisol gây mệt mỏi, đau đớn.  Thời gian dài sẽ dẫn đến chậm phát triển toàn diện”. Cũng theo chị, những lời chê bai hay đòn roi thường xuyên sẽ tác động đến tiềm thức của trẻ, thứ trực tiếp quyết định hành vi con người. 

Bằng cách trò chuyện thân thiện, hấp dẫn, diễn giả Ái Liên đưa người nghe cuốn theo những lý lẽ sắc bén của mình qua ba phần: Quy tắc thưởng - phạt, Nghệ thuật khen – chê, Quy tắc ứng xử. “Hầu hết các bậc phụ huynh đều không muốn sử dụng bạo lực với con mình, nhưng lại rất khó để kiềm chế nóng giận bản thân và cảm thấy bế tắc khi không tìm ra phương pháp thay thế.” Theo Ths Ái Liên, điểm mấu chốt trong giáo dục con cái là dạy trẻ em biết cách tự chủ, biết phân biệt đúng sai chứ không chỉ dạy chúng sợ đòn roi hay ưa phần thưởng.

 

Diễn giả Trần Thị Ái Liên thuyết phục người nghe bằng những lý lẽ sắc bén.

Có phụ huynh cho rằng bạo lực chỉ gây đau đớn về thể xác mà không biết những lời chê không đúng cách cũng có thể gây tổn hại đến tinh thần của trẻ và để lại hậu quả lâu dài. Giải đáp thắc mắc này, Ths Ái Liên đưa ra hệ thống quy tắc trong việc đưa ra lời khen – chê đối với trẻ để đạt được hiệu quả cao nhất. Trong đó, lời khen  phải đúng, chân thành; lời chê không gây tổn thương. Việc thưởng - phạt dựa theo sự cố gắng, không theo kết quả.

 Bên cạnh đó, việc ứng xử với trẻ cũng vô cùng quan trọng. Cha mẹ là tấm gương mẫu mực nhất vì “hành động đưa ra thông điệp mạnh mẽ hơn lời nói”. “Luôn luôn chuẩn bị tinh thần; luôn luôn dùng câu hỏi mở; can đảm cho con chấp nhận thất bại” là những cách thức thiết yếu nhất các phụ huynh cần nằm lòng. Qua đây, Ths Ái Liên muốn nhấn mạnh: “Bạo lực chỉ có thể xảy ra 1 trong 3 trường hợp: khi sai phạm của trẻ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng (gây chết người, tàn tật hay phạm pháp); khi hoàn cảnh quá gấp rút và khi cha mẹ cảm thấy bất lực”.

Chia sẻ với PV, anh Đoàn Duy Long (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm đắc: “Sau khi nghe chị Liên chia sẻ, tôi nhận thấy cách dạy con của mình từ trước tới nay còn nhiều điểm chưa đúng. Quan điểm không nên bạo hành với trẻ nhỏ thực sự rất có ý nghĩa. Việc thường xuyên khích lệ con cái, điều này sẽ đem lại hiệu quả cao hơn việc đòn roi để dọa nạt trẻ. Từ hôm nay, tôi sẽ nói không với bạo lực”.

 

Các bậc phụ huynh hào hứng tham gia buổi hội thảo.

Chị Ái Liên cho biết, ngày nào chị cũng nhận được email từ các phụ huynh tâm sự rằng con họ đã thay đổi tích cực như thế nào sau khi được áp dụng phương pháp dạy con không cần đòn roi này. Mỗi lời chia sẻ lại là nguồn động viên, động lực to lớn để chị có thể thực hiện chương trình trong suốt 3 năm qua.

Chương trình kết thúc trong tiếng vỗ tay không ngớt của gần 100 phụ huynh có mặt trong khán phòng. Tôi đọc được trên gương mặt mỗi người lời cam kết với chính bản thân: Bạo lực là thể hiện sự bất lực của bản thân. Sẽ không để nước mắt con  trẻ phải rơi vì sự thiếu hiểu biết của cha mẹ./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]