Dạy con tự bảo vệ

1. Gia đình H. vừa chuyển nhà nên chuyển trường cho con để tiện đưa đón. Vì thuộc dạng béo phì nên con chậm chạp và thường bị các bạn trêu chọc là H. "heo".

15.6042

Nhiều lần bị trêu chọc, quá uất ức nên con đã đánh bạn và bị các bạn hùa vào đánh. Khi con kể với ba mẹ thì ngay lập tức con bị ba mẹ la mắng "mày ngu quá, mày khờ quá, mày nhịn hoài nên tụi nó mới dám kêu tên mày bậy bạ vậy đó!".

Giải pháp ba mẹ H. đưa ra là "mày có quyền đánh lại tụi nó, nó đánh mình chỗ nào mình phải đánh lại chỗ đó, nó đánh mình mấy cái, mình phải đánh lại nó mấy cái, không cần phải méc cô vì cô mà biết mà la tụi kia thì tụi nó lại đánh mày tiếp".

2. M. là một cậu bé vui vẻ, thích ca hát, nhảy múa hơn là chơi các trò mạnh bạo như đá banh, rượt bắt, đánh nhau. Vì vậy con thường bị các bạn trai cùng lớp cô lập và gọi là M. "pê đê" hoặc ngắn gọn là "pê đê".

Khi phát hiện ra các bạn trêu chọc con và không cho con tham gia chơi chung vì "nó là thằng pê đê" cũng như chứng kiến con mình khóc như thế nào, mẹ của M. nói chuyện với con và cậu bé vừa khóc vừa nói về cảm xúc của mình khi bị các bạn gán cho tên gọi đó.

Con cảm thấy con bị xúc phạm, con cảm thấy con bị tổn thương nhưng nếu con không trả lời các bạn khi các bạn kêu "ê pê đê" thì các bạn không chơi với con nữa. Mẹ của M. đã giải thích cho con hiểu rẳng khi con chấp nhận việc các bạn kêu con là pê đê, nghĩa là con đã chấp nhận việc các bạn tiếp tục xúc phạm con, tiếp tục làm con tổn thương. Giải pháp đưa ra:

- Thẳng thắn và cứng cỏi đáp trả bằng lời nói:

Con là một cậu bé vui vẻ, thông minh và dễ gần. Con có sở thích khác với người khác, không có nghĩa là con kém cỏi hay lập dị. Vì vậy con bình đẳng với các bạn và không ai có quyền xúc phạm con. Khi các bạn kêu con là "pê đê", con sẽ không trả lời.

Nếu bạn kéo tay con và kêu "ê pê đê", con phải nói rõ ràng với các bạn rằng con có tên của con, "pê đê" không phải là tên của con, nếu các bạn gọi đúng tên con thì con sẽ trả lời, còn nếu không thì coi như các bạn đang gọi người khác không liên quan đến con.

- Xem xét lại bản thân:

Tự con phải điều chỉnh các hành vi của mình cho mạnh bạo lên để các bạn không có cớ chế giễu con là "pê đê" nữa.

Hai câu chuyện, hai cách xử lý của người lớn, chắc chắn sẽ có hai hồi kết cũng như hai tác động lên hai đứa trẻ.

Bé H. sẽ luôn cảm thấy mình là người có lỗi khi đã yếu đuối để cho các bạn bắt nạt mình. Bé sẽ nuôi hành vi ăn miếng trả miếng vì đã được ba mẹ bé bật đèn xanh, đồng thời nuôi một thái độ thù nghịch với tất cả những gì tiêu cực xảy ra với mình.

Tất cả những điều này là do thái độ và cách xử lý của ba mẹ bé, họ đã nóng vội cho phép con dùng bạo lực giải quyết phần ngọn chứ không chỉ ra cho con được cốt lõi của vấn đề và cách xử lý vấn đề đó.

Bé M. được mẹ củng cố cho sự tự tin về giá trị của chính bản thân mình, hướng dẫn cách đáp trả hành vi trêu chọc của các bạn một cách rõ ràng và hợp lý, đồng thời tự điều chỉnh bản thân cho phù hợp với môi trường.

Thay vì la mắng con mình ngu để cho các bạn chọc ghẹo, mẹ của M. đã chọn cách tiếp cận con một cách nhẹ nhàng để con có thể thổ lộ cảm xúc, cũng như tạo cho con niềm tin về chỗ dựa tinh thần nơi bố mẹ.

Con của chúng ta, chỉ một vài năm sau thôi, là đã trưởng thành, mang trên vai trách nhiệm với chính cuộc đời của mình, rồi trách nhiệm đối với người yêu, vợ, chồng, con cái… Nếu chúng ta chỉ hướng dẫn con dùng bạo lực xử lý tất cả các mâu thuẫn, thì sẽ tạo cho con thói quen dùng bạo lực như là cách duy nhất giải quyết mọi vấn đề. Và như thế, sẽ không lạ khi xã hội tràn ngập bạo hành từ trong nhà ra đường phố.

Dạy cho con cách phân tích vấn đề, cách dùng lý lẽ và tình cảm xử lý xung đột, là cách giúp con tự bảo vệ mình cũng như dung hòa được xung đột tốt nhất, bên cạnh đó con cũng phải nhìn thấy những gì chính bản thân mình phải thay đổi, điều chỉnh để có thể hòa hợp được với xung quanh. Những kỹ năng này là một phần quan trọng cho cuộc sống hạnh phúc và thành công của con sau này.

Khi giúp con xử lý những vấn đề của con, cha mẹ cần hiểu rõ rằng cách chúng ta dạy con, giúp con, không chỉ là giải quyết tức thời mà còn phải suy xét đến tác động lâu dài của việc hình thành và phát triển nhân cách cho con mình. Chúng ta sinh ra một sinh linh, và chúng ta cần nuôi dạy để đưa vào xã hội một con người với những phẩm chất tốt đẹp: tự trọng, chân thành và luôn hướng thiện.

Theo Đinh Thanh Phương - Phụ nữ TPHCM

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]