Dạy học sinh bài học về Tổ quốc từ những điều giản dị

Trong những ngày qua, nhiều trường học và giáo viên trên cả nước đã cùng nhau giáo dục học sinh về lòng yêu nước, biển đảo bằng những bài thi, hoạt động thiết thực.

15.5957

Tổ chức cho học sinh xếp bản đồ Tổ Quốc

Ngày 12/5 vừa qua, hơn 800 học sinh khối 12 trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Biên Hòa) đã được nhà trường tổ chức một buổi ngoại khóa xếp bản đồ đất nước hình chữ S với đầy đủ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Các giáo viên xếp thành khung hình chữ nhật quanh 4 góc sân vận động rộng 1.000m2. Những bàn tay của thầy cô và học sinh nắm chặt đặt lên ngực trong không khí thiêng liêng của tiếng nhạc Quốc ca hùng tráng.

Bản đồ Tổ quốc của học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (Đồng Nai)

Hoạt động này đã được nhà trường ghi lại bằng clip và đăng tải lên mạng nhằm kêu gọi lòng yêu nước và các hoạt động thiết thực hướng về biển đảo quê hương của các nhà trường, cơ sở giáo dục trên toàn quốc. Trước đó, nhà trường đã mất nhiều ngày tập luyện vất vả để có thể xếp bản đồ Tổ Quốc được ngay ngắn và trang nghiêm nhất.

Hơn 450 học sinh và 100 thầy cô giáo trường mầm non Đức Trí xếp bản đồ đất nước 

Sau khi hoạt động của THPT Lê Quý Đôn (TP.Biên Hòa) gây được tiếng vang, trong ngày 13/5 đã có thêm trường mầm non Đức Trí ở Đà Nẵng tiến hành việc xếp bản đồ Tổ Quốc trong lễ chào cờ. Hơn 450 học sinh và hơn 100 cán bộ giáo viên của trường đã cùng nhau xếp thành hình bản đồ Việt Nam và hát vang Quốc ca Việt Nam. Mặc dù còn nhỏ và chưa hiểu biết về tình hình biển đảo song các em học sinh vẫn thực hiện nghiêm túc hoạt động này một cách bài bản và trang nghiêm.

Đến sáng qua (15/5) tại trường Tiểu học Hạ Long (TP. Vũng Tàu) nhà trường cũng tổ chức cho học sinh xếp bản đồ Việt Nam cùng đồng thanh hô vang khẩu hiệu “Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam" và "Vì biển đảo quê hương”. Ngoài ra, nhà trường cũng kêu gọi các em học sinh đóng góp tiền ủng hộ các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại 2 quần đảo này.

Vẽ tranh chú lính hải quân

Một chương trình khác có ý nghĩa không kém đã được một nhóm giáo dục ở Hà Nội tổ chức cho các em học sinh 6-7 tuổi, đó là cho các em xem ảnh, chia sẻ cảm nhận, đóng vai thành người lính hải quân, vẽ tranh. Hoạt động thiết thực này giúp giáo lục lòng yêu nước cũng như tinh thần dân tộc cho các em ngay từ khi các em mới chập chững bước lớp 1.

Trong bài học vẽ tranh, các em học sinh đã có nhiều bức vẽ sáng tạo về vùng biển thân thương với những câu chuyện giản dị, trong sáng về những chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng ngọn gió.

Những bức tranh này có thể không đẹp hay còn ngệch ngoạc nhưng ẩn sâu trong đó là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc đã và đang được các thầy cô giáo bồi đắp trong trái tim của những em nhỏ mới chỉ 6,7 tuổi.

Những bức vẽ đáng yêu của học sinh lớp 1

Đề thi về biển Đông và nhắc nhở học sinh “học giỏi là yêu nước”

Ngày 12/5, đề thi thử tốt nghiệp và Đại học, cao đẳng của trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) đã nhận được sự đồng thuận của nhiều người khi mạnh dạn nêu sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào cùng lãnh hải của Việt Nam. Người ra đề thi này là TS. Trịnh Thu Tuyết.

Trong đề thi, cô Tuyết sử dụng bài thơ Tổ Quốc nhìn từ biển của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến làm dẫn chứng, từ đó đưa ra cho học sinh 4 câu đòi hỏi sự vận dụng, suy ngẫm và phân tích một cách khách quan và sâu sắc. Những câu hỏi này xoáy vào những khía cạnh khác nhau của bài thơ nhưng nhìn chung đều rất độc đáo, sáng tạo, khiến học sinh thích thú và từ đó biết quan tâm đến vấn đề biển Đông hơn.

Sau đề thi của Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết trường Chu không lâu thì đề thi Toán của thầy Phạm Văn Dũng (dạy Toán ở Đắc Lắc) cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng với lời nhắn nhủ tâm huyết.

 "Cố gắng học hành đàng hoàng sau này thi bách khoa, chế tạo máy bay, tên lửa hành trình. Thi bác sỹ chữa bệnh cho nhân dân và bộ đội, thi giáo viên để đào tạo nhân tài cho đất nước, thi ngoại thương, ngân hàng để kiếm nhiều ngoại tệ cho quốc gia, thi nông lâm ngư để tăng năng suất cây trồng, đánh bắt thủy hải sản. Như vậy là góp phần bảo vệ tổ quốc, bảo vệ biển đảo. Chứ không phải lười nhác, suốt ngày lướt "phây" chém gió để chứng tỏ ta đây hiểu biết, chứng tỏ ta đây lòng yêu nước "nồng nặc" (ah, nồng nàn). Nếu nói vậy mà hiểu được thì hôm nay cố làm cho ngoan nha. 9 điểm là có thể kiếm được, cố lên các tình yêu".

Bằng nhiều cách khác nhau, các thầy cô giáo đã và đang truyền tình yêu đất nước qua những hoạt động ngoại khóa, những bài giảng của mình để từ đó định hướng cho mỗi học sinh trách nhiệm với Tổ quốc.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]