Dạy kỹ năng sống cho trẻ tự kỷ, khuyết tật qua việc học cưỡi ngựa: Cách hay rèn thể chất và tinh thần

GiadinhNet - Chiều Chủ nhật, sân cưỡi ngựa khoảng chừng 100m2 của Câu lạc bộ Ngựa Hà Nội (Hanoi Horse) ở số 136 Hồ Tùng Mậu lại rộn ràng. Đây là “điểm hẹn” quen thuộc của khoảng 10 gia đình có con là trẻ mắc hội chứng tự kỷ, khuyết tật.

15.6177

 

Việc đặt ra mục tiêu cá nhân cho từng em tham gia cưỡi ngựa và kiên nhẫn làm việc trên những kĩ năng như lời nói, sự hòa nhập xã hội... sẽ giúp các em tiến bộ nhanh hơn. Ảnh: Chí Cường

 

Chưa “món” nào cháu tiếp cận và tiến bộ nhanh đến vậy!

Bé Minh T (ở Hà Nội) năm nay hơn 6 tuổi. Chứng bại não khiến hai chân, hai tay bé không thể kiểm soát, vận động bình thường. Việc phát âm cũng khó khăn. 6 tuổi, gót chân bé vẫn chưa thể chạm đất khi di chuyển, T chủ yếu bước bằng đầu mũi chân, đầu gối cong. Hai cánh tay bé chỉ gập khuỳnh, khó lòng dang thẳng.

Hôm nay là buổi tập thứ 16 của bé T. 5 giờ chiều, mẹ và ông ngoại cùng đưa bé đến Câu lạc bộ. Vừa nhìn thấy đàn ngựa nhởn nhơ phía cuối sân, bé nhoẻn cười sung sướng như gặp lại bạn cũ. Được mẹ chuẩn bị mũ bảo hiểm cẩn thận, bé hào hứng đòi mẹ cho vào “giao lưu” ngay với chú ngựa bé thường cưỡi.

Cách đây khoảng gần 2 tháng, cứ đều đặn một tuần 3 buổi chiều, hai mẹ con chị H - bé T lại cùng nhau đến Câu lạc bộ để bé được hỗ trợ rèn luyện. Chị Nguyễn Thị Hòa Hợp, giáo viên dạy cưỡi ngựa của Câu lạc bộ, cũng là người “kề vai” cùng bé T từ những ngày đầu kể: Phải mất 3 buổi bé T mới chịu làm quen và dần thân thiết với những chú ngựa ở đây. Lúc mới đến, hai chân bé chụm lại, khó nhấc lên, bước đi còn “lảo đảo” không thành đường thẳng được, người thân phải “bám càng” liên tục, đề phòng bé ngã. Song chỉ sau vài buổi, mọi chuyện đã khác. Được cưỡi ngựa, bé T rất thích thú. Sau khi vuốt ve, “hỏi thăm” người bạn đồng hành, bé được mẹ bế lên lưng chú ngựa đã được chuẩn bị yên, cương, “gài” thẳng chân vào chỗ đạp bên hông ngựa, sẵn sàng cho buổi tập kéo dài gần 1 tiếng. Được cô giáo hướng dẫn, chỉnh tư thế ngồi, T ngẩng cao đầu, bé xòe bàn tay yếu ớt nắm lấy dây thắng, cố nắm chắc lại rồi cùng ngựa đi một vòng quanh sân. Vừa đi, bé được cô giáo và mẹ cùng dạy đếm, vừa giúp bé luyện khả năng nói, phát âm, cũng như tăng khả năng tập trung của bé. Đối với một đứa trẻ bình thường, việc cầm nắm đồ vật rất đơn giản, nhưng với T, đây là việc gian nan, đòi hỏi phải rất tập trung, khích lệ. Mỗi khi em thả trúng vào ô chướng ngại vật, vẻ mặt hớn hở, đáng yêu với một chút tự hào “hoàn thành nhiệm vụ” của em xua tan đi mệt mỏi, lo âu của người mẹ trẻ.

“Tôi không thể nghĩ con tôi có thể làm được như vậy! Chưa “món” nào khiến bé yêu thích, tiếp cận nhanh và tiến bộ đến thế!”, chị H mỉm cười nhìn con đang xòe bàn tay nhỏ cho chú ngựa ăn cà rốt sau buổi tập.

Học cưỡi ngựa, rèn luôn kỹ năng sống cho trẻ tự kỷ, khuyết tật

“Bạn” của bé T trong những buổi cưỡi ngựa cuối tuần là K.N (11 tuổi, ở Hà Nội). Bố của K.N cho biết, từ ngày em lên 3-4 tuổi, khi thấy con “hững hờ” không đáp lời gọi của bố mẹ, không tập trung nhìn, nghe, hay trao đổi với người đối diện khi nói chuyện, anh chị đã đưa con đi khám và biết, cháu mắc hội chứng giảm tập trung.

Theo dõi K.N trong buổi tập cưỡi ngựa, chúng tôi khá ngạc nhiên. Em bé có gương mặt khôi ngô tuấn tú mắc chứng giảm tập trung này có thể tự trèo lên yên ngựa, cầm chắc tay cương. Mới đầu, em còn vụng về, lóng ngóng, dáo dác nhìn quanh không nghe hiệu lệnh khi cưỡi ngựa. Nhưng nhờ cô giáo tỉ mẩn “cầm tay chỉ việc”, chỉnh tư thế ưỡn bụng, mắt, vai thẳng, K.N đã tự cầm nhẹ dây cương. Tập trung nghe hiệu lệnh của cô giáo, K.N tự tin, mỉm cười với bài tập xoay quanh yên ngựa, bất ngờ em co chân xoay người sang phải, rồi chắp hai bàn tay đưa lên cao – một động tác đòi hỏi sự tập trung mới cân bằng được trên yên ngựa đang di chuyển. Sau đó, bé nhận “chỉ thị” của cô giáo phải tập trung toàn thân, đứng vững trên hai đai bên hông ngựa, ném vòng đĩa vào một điểm. Ban đầu, K.N còn mải miết nhìn quanh, có lúc còn “kịp” tìm ánh mắt và giao lưu với bố đang đứng cạnh hàng rào sân ngựa. Nhưng rồi khi “vào cầu”, nhập cuộc say sưa, bé quên luôn việc bố đã “cai” sân từ lúc nào. Theo các cô giáo dạy cưỡi ngựa tại đây, đây là tổ hợp các bài tập nhằm giúp bé kiên trì, nhẫn nại và tập trung hơn, rất phù hợp với tình trạng sức khỏe của K.N.

“Tập cưỡi ngựa, nhiều kỹ năng trong sinh hoạt hàng ngày của cháu đã có sự thay đổi. Cháu cần mẫn, tập trung hơn. Ngày trước, những việc vệ sinh cá nhân của cháu cần bố mẹ nhắc, hỗ trợ vì cháu lơ đễnh, làm không tới nơi. Nay cháu có thể tự giác làm, thời gian lâu hơn, kiên trì và “chuẩn” hơn. Các kỹ năng khác cũng có nề nếp, kỷ luật hơn. Bé cũng bình tĩnh hơn trong nhiều tình huống, vui vẻ, cởi mở, giao lưu nhiều hơn”, bố bé K.N chia sẻ.

Chị Hòa Hợp cho hay, trên thế giới, việc cho trẻ em làm quen và cưỡi ngựa có từ lâu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, không ít người vẫn cho rằng đây là trò chơi theo “phong cách trưởng giả, quý tộc” và không phù hợp nên không cho con tham gia. Trên thực tế, với những bé mắc chứng tự kỷ nhưng yêu động vật, các em tiếp xúc, phản ứng và hòa nhập rất nhanh. Được biết, Câu lạc bộ Ngựa Hà Nội bắt đầu dạy trẻ tự kỷ, khuyết tật cưỡi ngựa từ tháng 9/2014. Đến nay, rất nhiều em đã trở thành “học trò” quen thuộc của Câu lạc bộ.

Giáo viên ở đây không chỉ dạy cho trẻ cách cưỡi ngựa mà qua đó còn giúp các bé tập trung suy nghĩ, chấp nhận sự huấn luyện. Việc cưỡi ngựa cũng giúp những người cưỡi ngựa đi bộ, trò chuyện, kết nối, tập trung, cư xử và học tập như một cách truyền cảm hứng cho mỗi cá nhân để sống một cuộc sống đầy đủ, hữu ích, độc lập như là họ có thể.

 

Giúp trẻ tự kỷ  nhìn thế giới từ một góc nhìn khác

Theo chị Hợp, các em tới đây còn được chỉ bảo cách chăm sóc cho những chú ngựa để cưỡi chúng.

“Trách nhiệm đối xử với một chú ngựa có thể giúp  các em nhìn thế giới từ một góc nhìn khác, yêu động vật và yêu những người xung quanh. Chúng tôi không đặt tham vọng sẽ chữa trị khỏi cho các em, chỉ mong các em được hỗ trợ khắc phục nhanh hơn về cả tinh thần lẫn thể chất. Hiện nay, với trẻ khuyết tật, chúng tôi hoàn toàn miễn phí dạy cưỡi ngựa cho các em. Việc đặt ra mục tiêu cá nhân cho từng em tham gia cưỡi ngựa và kiên nhẫn làm việc trên những kĩ năng như lời nói, sự hòa nhập xã hội... sẽ giúp các em tiến bộ nhanh hơn”, chị Hợp chia sẻ.

Thu Nguyên/Báo Gia đình & Xã hội

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]