Đẩy lùi bệnh loãng xương

Tuy ý thức được nguy cơ mắc bệnh loãng xương nhưng chưa nhiều người chưa áp dụng các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, như uống sữa thường xuyên để bổ sung lượng canxi cần thiết.

15.5855

Đọc E-paper

Bệnh loãng xương đang trở thành mối lo ngại trên toàn thế giới vì diễn biến âm thầm và những hậu quả nghiêm trọng như gãy xương cột sống, gãy lún đốt sống, gãy xương cổ tay, cổ xương đùi... Bệnh điều trị khó, có thể gây tàn phế hoặc dẫn đến tử vong.

Riêng ở Việt Nam, theo thống kê năm 2011 có khoảng 2,8 triệu người mắc phải căn bệnh này, trong đó phụ nữ chiếm 76%, và con số này ngày càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là việc thiếu canxi trong chế độ ăn uống hằng ngày.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, nhu cầu canxi hằng ngày cho cơ thể phải từ 1.000 đến 1.200mg và 400IU vitamin D. Tuy nhiên, khẩu phần ăn hằng ngày của người Việt Nam hiện nay chỉ cung cấp khoảng 500mg canxi cho cơ thể.

Các chuyên gia y khoa khuyến cáo một trong những phương pháp hữu hiệu giúp phòng ngừa bệnh chính là uống sữa để bổ sung thêm lượng canxi thiết yếu và việc này cần được duy trì lâu dài.

So với các nước trong khu vực, hiện tại lượng sữa tiêu thụ hằng năm bình quân trên đầu người tại Việt Nam còn khá khiêm tốn, chỉ vào khoảng 15 lít/người/năm, so với 34 lít/người/năm tại Thái Lan và 45 lít/người/năm tại Singapore.

Đối tượng sử dụng sữa tại Việt Nam chủ yếu vẫn là trẻ em và nhóm thiếu niên dưới 13 tuổi. Các khảo sát thói quen sử dụng sữa của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam cho thấy lượng tiêu thụ sữa giảm đáng kể khi bước qua tuổi 13. Càng lớn tuổi, thói quen uống sữa càng giảm.

Điều này phần nào lý giải tại sao số người mắc bệnh loãng xương và các bệnh liên quan đến xương khớp ngày càng tăng. Vậy làm thế nào khuyến khích được NTD trưởng thành chăm uống sữa để tránh nguy cơ mắc bệnh loãng xương?

Nghiên cứu mới đây về NTD từ 20 đến 49 tuổi tại TP.HCM của tác giả Hà Tuấn Anh trong chương trình cao học Maastricht MBA cho thấy, việc hình thành và duy trì thói quen uống sữa thường xuyên khi còn trẻ cũng như sự dễ dàng và thuận tiện khi mua là hai lý do quan trọng nhất có tác động tích cực đến thói quen uống sữa ở người trưởng thành và góp phần làm tăng lượng sữa tiêu thụ.

Việc động quảng cáo, truyền thông lại được NTD trưởng thành cho rằng chưa đủ để có thể ảnh hưởng tích cực đến thói quen uống sữa và lượng sữa tiêu thụ của họ.

Kết quả của nghiên cứu trên cho thấy sự cần thiết của việc xây dựng và duy trì thói quen uống sữa từ khi còn trẻ, nhất là với nhóm thiếu niên từ trên 13 tuổi. Với ít dần sự ảnh hưởng từ cha mẹ, các em có xu hướng sử dụng các loại thức uống khác và sữa không còn là sự lựa chọn hàng đầu. Thói quen uống sữa do vậy cũng mai một dần và là nguyên nhân dẫn đến thiếu canxi.

Từ thực trạng trên, các bậc cha mẹ nên quan tâm hơn đến chế độ dinh dưỡng của con em mình. Thêm vào đó, việc nhân rộng các chương trình như dự án "Sữa học đường" đến các trường THCS và THPT thì thói quen uống sữa của người dân Việt Nam kỳ vọng sẽ được cải thiện đáng kể.

Đối với người trưởng thành thì một chiến dịch truyền thông cộng đồng tương tự chương trình "Got Milk" đã rất thành công ở Hoa Kỳ có thể là một giải pháp hữu hiệu để thu hút sự quan tâm và ủng hộ của NTD đối với sữa.

Ngoài vai trò của các cơ quan chức năng, các công ty sản xuất và kinh doanh sữa cũng đóng góp phần quan trọng trong việc khuyến khích người dân tích cực uống sữa để bảo vệ sức khỏe. Phân phối sữa đến các cửa hàng bán lẻ, trưng bày bắt mắt, giá cả hợp lý, ổn định là những yếu tố được NTD mong đợi và được cho là có ảnh hưởng tích cực đến lượng sữa tiêu thụ.

Mặt khác, các công ty cần phát triển thêm các dòng sữa để phục vụ nhu cầu của người trưởng thành, như tốt cho tim mạch, hệ tiêu hóa, chống lão hóa. Đồng thời, cần có thêm nhiều hơn nữa các chương trình quảng bá dành riêng cho nhóm đối tượng tiêu dùng này vì hiện tại sữa và các quảng cáo sữa được cho là chỉ dành riêng cho trẻ em, và do vậy chưa tạo được sự gắn kết và ủng hộ của NTD trưởng thành.

Mong rằng trong thời gian tới với sự kết hợp giữa các cơ quan chức năng và các công ty sữa, những đề xuất trên sẽ được triển khai để tăng cường thói quen uống sữa của người Việt Nam, từ đó đẩy lùi bệnh loãng xương.

Thực phẩm giàu canxi

Ngũ cốc: Các loại ngũ cốc là nguồn cung cấp canxi dồi dào cho cơ thể. Dùng ngũ cốc nguyên hạt hằng ngày có thể bổ sung 25% lượng vitamin D cần thiết của cơ thể. Trong các loại ngũ cốc thì yến mạch là loại hạt có hàm lượng canxi cao nhất, cao hơn gạo tới 7,5 lần.

Đậu các loại và sản phẩm từ đậu: Mỗi ngày ăn 200gr đậu phụ sẽ giúp bổ sung đủ nhu cầu canxi của cơ thể. Sữa đậu nành cũng là thực phẩm giàu canxi. Rau. Rau dền và cải thìa (còn gọi cải chíp) là hai loại thực phẩm cung cấp hàm lượng canxi cao hơn cả sữa bò tươi nếu biết chế biến đúng cách. Erong rau dền và cải chíp còn chứa các vitamin và khoáng chất khác giúp cơ thể hấp thụ canxi một cách tốt nhất.

Súp lơ xanh: Là một trong những loại rau cung cấp nhiều canxi cho cơ thể, nhưng nhiệt độ cao có thể làm giảm dưỡng chất trong súp lơ, vì vậy khi chế biến chỉ nên luộc, không nên xào hay hầm.

Nước trái cây: Nước cam không chỉ chứa vitamin D và canxi mà còn chứa một lượng lớn vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Cá: Cá chạch là loại cá nước ngọt rất giàu canxi. Với cùng trọng lượng, cá chạch cung cấp lượng canxi cao gấp 6 lần cá chép và 10 lần bạch tuộc. Chế biến cá chạch kết hợp với đậu phụ hay rau dền, cải chíp giúp tăng khả năng hấp thụ canxi của cơ thể.

Cá biển đóng hộp. Là thực phẩm có thể dùng thường xuyên để gia tăng lượng canxi cho cơ thể, vì ăn được cả xương.

Hạt: Mè (vừng) là nguồn cung cấp canxi dồi dào. Trong 25gr vừng có chứa tới 200mg canxi. Phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh nên thường xuyên dùng loại hạt này.

Trong các loại quả hạch, hạt dẻ là loại chứa hàm lượng canxi cao nhất, trong 100gr hạt dẻ có hơn 800mg canxi. Theo đó, một người trưởng thành ăn 100gr hạt dẻ mỗi ngày, cơ thể sẽ được cung cấp đủ lượng canxi cần thiết. Tuy nhiên, đây là loại hạt rất giàu năng lượng, vì thế có thể làm tăng cân.

KIM NGỌC (tổng hợp)

BỘ PHẬN NGHIÊN CỨU - MAASTRICHT MBA
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]