Đẩy lùi bệnh trĩ trong thai kỳ

Bị trĩ khi mang thai không phải là bệnh hiếm, nhưng nếu chảy máu quá nhiều có thể dẫn đến thiếu máu, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.

15.5645
Khổ vì bị trĩ hành hạ
Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Phương Mai, Phó giám đốc y khoa Bệnh viện Phụ sản quốc tế TP.HCM cho biết: khi mang thai, kích thích tố sinh dục nữ progesterone tăng, làm tăng lượng máu lưu thông trong cơ thể. Do đó, các tĩnh mạch quanh hậu môn trở nên “mệt mỏi” và sưng lên dễ dàng. Ngoài ra, progesterone cũng làm giãn các cơ ruột, ảnh hưởng đến sự co bóp của nhu động ruột khiến bà bầu dễ bị táo bón, khó đi cầu. Khi bón buộc phải rặn, rặn lâu dài sẽ chuyển sang trĩ.
Hơn nữa, khi mang bầu, thai phát triển to chèn ép các mạch máu ở tầng sinh môn và đáy chậu khiến máu khó lưu thông, gây sưng và dẫn đến trĩ. Bên cạnh đó, đối với một số trường hợp lúc sinh con, bị rạch tầng sinh môn, khi khâu, sản phụ có thể bị khâu chít một số mạch máu ở hậu môn, nên một thời gian sau rất dễ bị trĩ. Đó là chưa kể hậu quả của lần sinh thường đầu tiên buộc phải rặn mạnh (tức là dùng lực cơ để đẩy thai ra ngoài, vô hình trung làm trĩ nặng thêm); rồi tiếp đó không lâu, khi các cơ vòng chưa kịp hồi phục mà bà mẹ lại mang thai lần 2, sẽ khiến tình trạng giãn cơ nặng hơn nên trĩ càng nặng.
Mức độ sưng có kích thước có thể bằng một hạt đậu đến một trái nho và có thể bị ở trong (trĩ nội) hay bên ngoài (trĩ ngoại) hậu môn. Bệnh trĩ gây ngứa, khó chịu hoặc đau đớn. Đôi khi, bác sĩ Phương Mai cho biết, bệnh còn làm chảy máu trực tràng, nhất là trong lúc đi vệ sinh.
Khi nào được cắt trĩ ?
Theo khuyến cáo của các bác sĩ sản phụ khoa, trong trường hợp trĩ sưng quá to, gây đau đớn, không thể đại tiện được, mới nhờ đến sự can thiệp của phẫu thuật. Tuy nhiên, các bà mẹ cũng cần đợi ít nhất 6 tuần sau khi sinh mới có thể tiến hành cắt trĩ, bởi phải chờ cho các mô cơ ở hậu môn trở lại bình thường; lúc này, bác sĩ tiêu hóa sẽ giúp đánh giá mức độ trĩ và chọn phương pháp điều trị thích hợp.
Trong thời gian mang bầu, để tránh sự khó chịu và đau đớn do trĩ mang lại, thai phụ nên quan tâm tới cơ thể mình, đừng đợi cho đến khi cơ thể hối thúc mới “đi cầu”. Khi đi vệ sinh cố gắng không rặn, không ngồi quá lâu để tránh gây áp lực lên hậu môn. Tập thói quen đại tiện đều đặn vào một giờ nhất định trong ngày. Ngoài ra, một trong những cách hiệu quả nhất để phòng bệnh trĩ khi mang thai là tránh táo bón bằng cách ăn thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước và thường xuyên vận động, như đi bộ hay tập các bài tập liên quan tới xương chậu. Theo bác sĩ Phương Mai, việc tập luyện có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu và tăng cường độ dẻo dai cho các múi cơ ở vùng kín, giúp quá trình chuyển dạ của thai phụ dễ dàng cũng như giúp thu gọn âm hộ sau này.
Giải pháp giảm đau tạm thời
Bác sĩ Phương Mai khuyên, các bà bầu bị trĩ với mức độ nhẹ có thể áp dụng các phương pháp giảm đau tạm thời như: ngâm phần dưới cơ thể trong nước nóng từ 10 - 15 phút một vài lần mỗi ngày. Đây là thói quen có lợi, giúp mang lại cảm giác thư thái, đồng thời kích thích máu lưu thông, làm giảm cảm giác đau đớn hoặc cũng có thể sử dụng túi nước đá chườm lên vùng cần giảm sưng và khó chịu.
Ngoài ra, vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn sau mỗi lần tiểu tiện cũng là cách giúp búi trĩ tránh được nguy cơ nhiễm trùng. Lưu ý nên sử dụng giấy vệ sinh mềm, không mùi, không màu để tránh làm tổn thương hậu môn, có thể dùng khăn ướt thay cho giấy vệ sinh.
Hạn chế ngồi quá lâu, nếu công việc đòi hỏi phải ngồi nhiều, tập thói quen đứng dậy và đi tới lui thường xuyên. Khi về nhà, lúc nằm nghỉ ngơi, nên nằm nghiêng về một bên, tránh nằm ngửa hoặc nằm sấp. Nghiêng sang trái tốt nhất để giảm máu ứ tại vùng chậu và hậu môn.
Nếu trĩ gây đau nhức, một bài thuốc lưu truyền trong dân gian mà các thai phụ có thể áp dụng là dùng lá diếp cá nấu nước xông, ngâm rửa lúc còn nóng, còn bã dùng đắp vào chỗ đau. Đồng thời, có thể lấy lá diếp cá xay ra uống hoặc sắc uống liên tục, nhằm tránh táo bón do lá diếp cá rất mát.

Cẩm Nhung




0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]