Đầy nồi là của không ngon?

Trung bình mỗi ngày có gần chục tập phim truyền hình (TH) được sản xuất, ở cả khu vực phim nhà nước và tư nhân. Hầu như tuần nào cũng có một dự án phim mới được khởi động. Có thể nói, phim Việt đang bùng nổ...

15.6079

Tăng giờ vàng, nhiều đề tài...

Vó ngựa trời Nam tái hiện cuộc đời của Huỳnh Văn Nghệ, một nhà quân sự và một thi sĩ yêu nước
Bên cạnh khá nhiều “giờ vàng” ở các kênh dành chiếu phim Việt, Đài TH TP.HCM vừa mở thêm khung 11g và 13g các ngày trên HTV7, kể từ 1/1/2010, nâng tổng số tập phim Việt lên sóng HTV trong năm nay khoảng 1.800 tập. Kênh HTV1 của Đài Phát thanh (PT) - TH Hà Nội, ngoài giờ buổi sáng thường phát phim Việt, cũng kể từ thời điểm trên, dành riêng khung 19g45 các ngày từ thứ Hai đến thứ Tư hằng tuần cho dòng phim nội thay cho các phim nước ngoài “án ngữ” nhiều năm nay.

Chưa kể các kênh VTV9, Let’s Việt, Today TV... đều phát hầu như mỗi ngày một tập phim Việt mới; cùng các đài PT-TH địa phương nô nức làm phim, như Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng..., khiến thị trường phim TH năm nay càng trở nên sôi động.

Mặc dù vẫn “say đắm” với mảng đề tài giải trí, nhưng các đơn vị xã hội hóa đã chú ý khai thác những đề tài lạ, như phẫu thuật thẩm mỹ (Thẩm mỹ viện), hậu trường của giới showbiz (Phía sau hào quang), bạo hành trẻ em (Nụ hồng và bóng đêm)... Các phim chính luận hay đề tài xã hội, dù thật sự là thách thức đối với những người làm phim, nhất là các nhà sản xuất, nhưng cũng tiếp tục được khai thác, hứa hẹn những bộ phim được chú ý.

Về thị trường chứng khoán có Phiên chợ số (Hãng phim TH TP.HCM - TFS), về tham nhũng có Ám ảnh xanh (Hãng phim Truyện Việt Nam chi nhánh phía Nam)... Có thể thấy, các đơn vị xã hội hóa đã bắt đầu tham dự vào đề tài chính luận (vốn là "đặc sản" của VFC). Đặc biệt, Trung tâm Sản xuất phim TH Đài TH Việt Nam (VFC) sẽ tung ra 50 tập phim Bí thư Tỉnh ủy dựa theo nguyên mẫu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - ông Kim Ngọc, người được coi là “cha đẻ” của chính sách “khoán hộ” (tiền thân của “khoán 10”). Những vấn đề liên quan đến giáo dục có bộ phim dài tập Lều chõng (TFS), đánh dấu sự trở lại với phim truyền hình của đạo diễn phim Đời cát Thanh Vân.

Các phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được hy vọng sẽ góp sắc diện đậm nét cho màn ảnh nhỏ, như Thái sư Trần Thủ Độ (30 tập, Hãng phim Truyện I), Nếp nhà (40 tập, VFC), Vó ngựa trời Nam (37 tập, TFS)...

Nhưng vẫn thiếu chuyên nghiệp

Phim Thái sư Trần Thủ Độ chưa phát sóng nhưng là bộ phim "đỉnh" với số tiền đầu tư khoảng 50 tỷ đồng/30 tập
Nở rộ về số lượng và đề tài như thế, nhưng bộ mặt phim ảnh trên TH thì ngổn ngang như bãi đất vừa cày xới. Đó là vì, “người người làm phim, nhà nhà làm phim” nhưng số người am hiểu về phim ảnh lại ít, nói gì đến những nhà sản xuất phim chuyên nghiệp. Nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập than, nhiều nhà sản xuất đến đặt hàng ông “Việt hóa” kịch bản, ông bảo nó không phù hợp với văn hóa và con người Việt Nam, nghĩa là không thể “hóa” được, nhưng nhà sản xuất vẫn quyết tâm làm. Ngoài ra, còn có tình trạng nhà sản xuất chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công việc chuyển thể, nên chỉ tìm đối tác trên cơ sở “giá rẻ”. Kết cục là những bộ phim lên sóng không được khán giả chấp nhận.

Thực tế thời gian qua, nhiều dự án “Việt hóa” đã không thể đi hết được chặng đường: Những người độc thân vui vẻ dừng ở tập 171 thay vì kế hoạch hơn 300 tập; Cô nàng bất đắc dĩ chỉ sản xuất 100 tập, trong khi dự định khoảng 150 tập...

Bộ mặt phim TH ngổn ngang còn vì phim vẫn được sản xuất theo kiểu gặp đâu làm đó, được chăng hay chớ. Các “nhà đài” hầu như chẳng có định hướng nào về mặt đề tài hay phân bổ kế hoạch sản xuất, cứ có đề cương kịch bản là tổ chức duyệt rồi phát sóng. Đấu thầu để chọn hãng phim thực sự có năng lực hầu như không được nhà đài nào áp dụng. Thực tế ấy đã phần nào giải thích thực trạng chất lượng phim.

Phim TH đang đứng trước vận hội lớn, khi khán giả nước nhà đang ưu ái phim Việt. Phim phản ánh những vấn đề “nóng” của xã hội hay nói được tâm tư, nguyện vọng của người dân như Ma làng, Chạy án... luôn được khán giả bình chọn với số phiếu cao nhất. Phim giải trí nhẹ nhàng (kiểu như Bỗng dưng muốn khóc) cũng chiếm tới 44% số phiếu bầu chọn của khán giả. Phim hài chẳng những được khán giả ưa thích, mà còn “ẵm” luôn giải Cù nèo vàng, như Chuyện nhà Mộc... Vậy nên, các “nhà đài” ngoài nỗ lực tăng thời lượng, tìm cách “đổi món”, cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng phim, để những món ăn tinh thần đem đến cho khán giả phải thực sự phong phú và hấp dẫn.

Dẫu không thể dễ dàng thay đổi trong một sớm một chiều, nhưng cần bắt đầu bằng việc đổi mới tư duy, đó là sản xuất phim truyền hình một cách chuyên nghiệp, dù làm phim ngắn hay dài tập, dù “vay mượn” kịch bản nước ngoài. Tích lũy kinh nghiệm và xây dựng đội ngũ để tiến tới chủ động sản xuất hàng trăm tập phim không chỉ “made in Vietnam” mà “made by Vietnamese”, là niềm vui hy vọng không chỉ trong năm 2010 này, và không chỉ của riêng những người làm phim.
 

HẢI ĐÔNG
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]