Dạy trẻ đối diện khó khăn: Làm sao để thất bại không là mẹ của thất bại?

Ai cũng nói, thất bại là mẹ thành công. Tuy nhiên nếu không biết rút kinh nghiệm cho những lần thất bại đó, thì thất bại sẽ chỉ là mẹ thất bại mà thôi.

16.0077

Bố mẹ hãy giúp con tìm ra nguyên nhân thất bại

Mẹ, con đều giỏi bao biện

Dồn hết sức vào cậu con trai đầu, chị Tâm (Tây Hồ, Hà Nội) kỳ vọng sau nhiều năm đưa con chạy sô từ lò luyện này sang lò luyện khác, cu cậu sẽ thi đỗ vào lớp THPT chuyên Ngoại ngữ thuộc Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Mấy lần thi thử, ở các lò, con chị cũng chỉ ngấp nghé điểm đỗ. Thế nhưng chị vẫn cho rằng con mình thừa sức, chẳng qua là do cháu chưa tập trung.

“Sáng nay, đón con thi môn xong môn Văn thấy cháu buồn không vui trong khi nhìn các cháu khác đều hớn hở. Tôi hỏi thì con bảo đề văn “lệch” tủ khi có một câu 4 điểm trình bày cảm nhận tình mẫu tử trong đoạn thơ bài "Con cò" của tác giả Chế Lan Viên. Thằng bé liền bao biện, đó là bài học thêm”- chị Tâm nói. Ở môn Toán  buổi chiều, con chị Tâm cũng chỉ làm được hơn nửa đề thi. Chỉ còn môn ngoại ngữ nhưng với thực tế làm bài, chị Tâm không hy vọng con đỗ.

Thế nhưng, họ hàng gọi điện hỏi thăm, chị vẫn cứ khăng khăng cho rằng cháu học tốt nhưng xác định đi thi để thử sức thôi vì “cháu bị ốm đúng vào đợt thi” nên làm bài không như ý.

TS Vũ Thu Hương (giảng viên trường ĐHSP Hà Nội) cho biết cách dạy con như chị Tâm khá phổ biến. Vị chuyên gia này từng gặp không ít bà mẹ ấm ức khi con bị cô giáo đuổi ra khỏi đội danh dự của trường hay bị trượt trong kì thi hát, vẽ.... Thậm chí có những bà mẹ than thở phàn nàn rằng “không còn lỗ nẻ nào mà chui” khi bị cô giáo chê bai con thẳng thừng vào mặt. Đem nỗi ấm ức ấy trong lòng, các bà mẹ đã trút lên đầu con. Nhẹ thì bị quát mắng, chì chiết nặng bị ăn đòn.  

Ai cũng nói, thất bại là mẹ thành công. Tuy nhiên theo TS Hương thì nếu không biết rút kinh nghiệm cho những lần thất bại đó, thì thất bại sẽ chỉ là mẹ thất bại mà thôi.

“Vì thế, dạy con đối mặt với thất bại sẽ giúp con dũng cảm nhìn nhận mọi việc, đánh giá chính xác khách quan và từ đó rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình. Như vậy để có thể thành công, chúng ta không thể quên được tác dụng của những lần thất bại”- TS Hương nhấn mạnh.

Cha mẹ cần làm gì?

Vấn đề mấu chốt ở đây là, bố mẹ cần phải làm gì khi con gặp thất bại? TS Vũ Thu Hương chia sẻ, việc đầu tiên các bậc phụ huynh cần phải làm là an ủi con. Lúc này, xỉ vả con chẳng có giá trị. Thay vào đó, bố mẹ nên bình tĩnh động viên để con đỡ buồn.

Sau khi con nguôi ngoai, hãy đưa con mảnh giấy ghi dòng chữ: “Để không thất bại, con phải....................... Nếu con....................... thì con sẽ thành công. Nếu con................................ thì con sẽ thất bại”. Sau đó, bố mẹ hãy  yêu cầu con điền vào những chỗ trống trong các câu đó. Con sẽ tự nhìn nhận ra mọi chuyện.

Có nhiều phụ huynh khi con thất bại thường tìm cách đổ lỗi vì lý do A, B, C. Chẳng hạn con thi trượt do năng lực hạn chế nhưng lại bao biện rằng hôm thi con bị ốm. Đây là điều hết sức sai lầm. Bởi điều này không giúp trẻ nhận ra bản chất của sự thất bại.

Vì thế các chuyên gia tâm lý cho rằng, bố mẹ tuyệt đối không nêu các lý do khách quan. Khi cha mẹ nói về các lý do khách quan, con sẽ học theo rất nhanh và thấy mình không sai gì cả, chẳng qua là không may. Như vậy, con sẽ nhanh chóng hình thành tính bao biện.

Thậm chí theo TS Hương thì trong trường hợp con đưa ra lý do để bao biện khi gặp thất bại thì bố mẹ cần phạt con thật nặng. “Khi con thất bại, cha mẹ không cần phạt vì điều đó cũng là 1 đòn giáng vào con rồi. Tuy nhiên, nếu như con không dũng cảm nhìn nhận mọi việc thì phải phạt thôi. Một hình phạt nào đó sẽ khiến con hiểu ra rất nhiều điều”- TS Hương nhấn mạnh.

Dẫn chứng điều này, TS Hương đưa ra ví dụ về cô con gái của mình. Hồi đó khi cháu còn nhỏ đã được chị cho đi học hát ở Cung thiếu nhi Hà Nội. Cô bé tỏ ra có năng khiếu, được thầy giáo khen, nhưng vì đi học xa lại phải học ngay sau khi đi học ở trường về, con mệt. Cô bé đã xin mẹ cho nghỉ học hát. Chị đồng ý với một lời nhắc nhở “mẹ sẽ không bao giờ cho con học hát nữa đâu nhé". Cô bé gật đầu đồng ý cái rụp.

Sẽ không có chuyện gì xảy ra nếu một ngày cháu không trúng tuyển vào đội văn nghệ của trường. Cô bé đã xin mẹ cho đi học hát lại. Tuy nhiên, TS Hương đã kiên quyết không đồng ý. Sau lần ấy, cô bé tự ý thức được với lời hứa của mình. Cho đến giờ, khi được mẹ cho học đàn piano, cô bé rất chăm chỉ.

Từ chính con gái của mình, TS Hương khẳng định, thất bại là bài học rất tốt cho con trẻ nếu như bố mẹ biết cách xử lý. Vì thế, đừng trách mắng con, chúng đã đủ đau khổ lắm rồi. Hãy động viên, chia sẻ và cùng con giúp con nhận ra sai lầm của mình.

Ngô Châu Anh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]