Dạy trẻ tự lập theo cách của người Nhật và người Do Thái

Dân trí “Giáo dục trẻ là dựa trên 2 yếu tố: tình thương và kỷ luật, nếu duy tình trong dạy trẻ thì sẽ thất bại”, nhà giáo Nguyễn Tuấn Hải chia sẻ.

15.5968

Dạy trẻ tự lập từ tuổi lên ba

Nhà giáo Nguyễn Tuấn Hải, người sáng lập và điều hành Eton Grammar English School và Tiểu học Reggio Emilia Hà Nội chia sẻ rằng, trẻ em thụ động và ỉ lại hoàn toàn do lỗi của cha mẹ. Nuông chiều con thái quá là một trong những nguyên nhân nhưng điểm mấu chốt là do cha mẹ không đẩy con ra ngoài làm việc và bắt chúng chịu trách nhiệm. Thầy Hải cho rằng, môi trường xã hội và nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đứa trẻ trở nên tự lập hơn.

“Tại Nhật Bản trẻ em phải tự lo cho mình từ bé ngay ở trường học và đó là những điều kiện đầu tiên giúp chúng trở nên tự lập. Trẻ cần được dạy về ý thức và sự tự quyết định ngay từ bé. Cha mẹ Việt nhất quyết cần học tập cha mẹ Nhật Bản về mặt này: Hãy để trẻ tự mặc quần áo và quản lý quần áo. Hãy để trẻ tự đi cầu thang ngay khi mới biết đi. Hãy để trẻ tự mang đồ. Hãy để trẻ làm việc nhà ví dụ như dọn dẹp đồ đạc và phòng của mình”, thầy Hải đưa ra lời khuyên.

Nhà giáo Nguyễn Tuấn Hải.

Theo vị chuyên gia về giáo dục tiểu học này, người Do Thái và Nhật Bản là 2 dân tộc mẫu mực trong việc dạy và rèn trẻ em. Và không phải ngẫu nhiên mà họ thành công như ngày nay khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ.

“Sau đây là 1 số cách mà họ thường làm: Hướng dẫn trẻ em tự đi đến trường nếu khoảng cách là hợp lý. Trẻ phải tự mang đồ dùng cá nhân và túi sách của chúng. Nếu đã lớn , chúng cần phải mang giúp đồ cho cha mẹ. Dạy trẻ biết mua bán và giao tiếp để chúng tự tin quản lý cuộc sống của mình. Để cho trẻ tiếp xúc với thời tiết khắc nghiệt ngoài trời. Ví dụ như tại Nhật Bản , trẻ em vẫn hoạt động ngoài trời dưới trời tuyết hay nắng to. Đó là cách tự nhiên nhất để cho trẻ trở nên cứng cáp. Dạy và rèn kỷ luật trong đó dạy trẻ không được làm gì còn quan trọng hơn dạy học cái mới”, thầy Hải chia sẻ.

Ở Việt Nam, hầu hết các gia đình khá giả, có điều kiện kinh tế đều xảy ra tình trạng yêu chiều con. Họ tiêu tiền cho con và cho chúng tiêu tiền dễ dàng mà không cần phải phấn đấu. Trong khi theo vị chuyên gia này, việc trải nghiệm và lăn lộn thực tế đích thực là những yếu tố quyết định trong việc hình thành tính tự lập của trẻ.

“Dạy cho trẻ cách kiếm tiền và cách quản lý tiền bạc và tài chính cá nhân từ bé là một phương pháp quan trọng người Do Thái áp dụng trong việc rèn ý thức tự lo lắng cho cuộc sống của mình. Cho chúng hiểu an toàn về tài chính và an toàn về mạng sống là 2 thứ chúng cần biết rõ nhất”, thầy Hải nói.

Nhà giáo này cho rằng, muốn con trẻ tự lập thì cha mẹ phải dạy chúng từ nhỏ, khi trẻ lên 3 tuổi, bắt đầu đi học mẫu giáo là thời điểm lý tưởng nhất. Trẻ cần được rèn luyện ý chí vượt khó thay vì chỉ tập trung vui chơi giải trí.

“Tại trường tiểu học của tôi là Reggio Emilia chúng tôi áp dụng các phương pháp rèn luyện chỉ số vượt khó AQ như sau: Đưa trẻ đi leo núi. Tự lập nhóm quản lý lẫn nhau theo vòng tròn. Tăng cường làm việc nhóm để chúng có ý thức phải hoàn thiện mình. Dạy trẻ cách lập mục tiêu cá nhân từ nhỏ như một cách quản lý cuộc sống và thời gian của chúng. Đồng thời chúng phải biết nỗ lực vì những mục tiêu cá nhân dù nhỏ nhất”, thầy Hải nói.

Và muốn giáo dục con trẻ thành công thì phải dựa vào hai yếu tố: tình thương và kỷ luật. Không dựa trên lứa tuổi hay tính tình. Nếu duy tình trong dạy trẻ chúng ta sẽ thất bại.

“Cha mẹ cần phải mạnh mẽ thì mới dạy con cứng cáp được. Nếu mà vô cùng yêu thương không đi cùng vô cùng tàn nhẫn thì cha mẹ chỉ là các nhà giáo dục nửa vời. Cha mẹ Việt cần trang bị cho mình hiểu biết là điều cần đầu tiên. Sau đó họ phải được huấn luyện kỹ năng làm cha mẹ nhân ái và dạy con sống nhân ái. Biết sống và dám sống tự lập và mạnh mẽ là chìa khóa cho mọi thành công sau này của trẻ”, thầy Hải đưa ra lời khuyên.

Trẻ em Nhật Bản tự mang đồ dùng cá nhân và túi sách trên đường đến trường.

Dạy con làm việc nhà

Theo TS Vũ Thu Hương - Giảng viên khoa Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, dạy con trẻ làm việc nhà từ nhỏ sẽ giúp tăng khả năng thích ứng trong mọi hoàn cảnh của con. Khi cha mẹ đi vắng, thay vì phải canh cánh lo quay về để chuẩn bị bữa ăn cho con, cha mẹ có thể yên lòng vì con biết làm mọi thứ rồi.

Thêm nữa, những việc nhà nho nhỏ được con đảm nhận sẽ giúp giảm áp lực công việc cho mẹ. Quét nhà, dọn nhà, lau bàn ghế … là việc bé 4, 5 tuổi làm được rồi. Để con làm vừa giúp con hiểu sự vất vả của cha mẹ, vừa giúp con hoàn thiện kỹ năng sống cơ bản.

Tuy nhiên, muốn dạy con được điều này thì cha mẹ phải loại bỏ tư tưởng “xót con”, hoài nghi con. Khi cha mẹ nghi ngờ khả năng hoàn thành nhiệm vụ của trẻ sẽ khiến đứa trẻ luôn có tâm lý ỷ lại vào cha mẹ, hoặc người lớn ở trong nhà. Nhiều gia đình than khổ khi con lớp 6 -7 mà bố mẹ vẫn phải tắm rửa, nhắc nhở con học hành, ăn uống.

“Trong việc học chẳng hạn nếu cha mẹ cứ liên tục nhắc con học, lâu dần đứa trẻ sẽ thấy việc học là nhiệm vụ của bố mẹ và không muốn học. Nếu không nhắc nhở, đứa trẻ sẽ bị cô giáo phạt, lần sau trẻ sẽ tự rút kinh nghiệm và thấy rằng việc học là nhiệm vụ của mình.

Bố mẹ cần kiên nhẫn hơn, để con tự trải qua những thất bại để từ đó con sẽ rút kinh nghiệm và tự giác hơn trong mọi việc của bản thân.

Đối với một đứa trẻ việc hình thành nhân cách của chúng rất quan trọng, việc cho trẻ con phải trải qua các thất bại trong cuộc sống nhiều khi hữu ích hơn rất nhiều so với khi được tung hô”, TS Hương chia sẻ.

Theo VietnamNet

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]