Để bé yêu không còn chê người khác

Có lần chị Ngân đi làm về muộn. Nhớ con, chị chạy sà vào ôm thì bé đẩy mẹ ra và kêu nhặng lên: “Mẹ đi chỗ khác, mẹ hôi quá!”.

0

“Mẹ đi chỗ khác, mẹ hôi quá!”

Được sinh ra trong một gia đình có điều kiện, bé Đô (4 tuổi) được bố mẹ, ông bà nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Nếu nhìn vào lớp mẫu giáo quốc tế mà bé đang theo học thì Đô nổi bần bật bởi những bộ quần áo bé mặc trên người.

Chị Hà Ngân (32 tuổi, giám đốc một công ty về xi măng) – mẹ bé cũng là một người có gu thẩm mỹ. Vì thế, không những bố mẹ sành điệu, con cũng không được thua.

Đô tuy còn nhỏ nhưng cũng ý thức được rằng mình sạch sẽ, thơm tho, đẹp trai. Thế nhưng, sự chiều chuộng cả về tâm hồn lẫn hình thức cho con của vợ chồng chị Ngân lại khiến cu cậu “mắc tật” hay chê bai.

Ngày nào Đô đi học về mẹ cũng hỏi han, chuyện trò. Chị Ngân chợt phát hiện ra bé rất hay lắc đầu, “bĩu mỏ” chê bai.

“Hôm nay con đi học có vui không? Con có chơi thân thêm được với bạn nào nữa không?” – chị hỏi han.

“Có bạn Mầm muốn chơi với con nhưng con chả thích”.

“Tại sao thế con?”

“Bạn ý cứ xấu xấu, lại còn nghịch bẩn nữa mẹ ạ”. Chị Ngân chưa biết phải nói lại con như thế nào…

Rồi có lần, chị đi làm về muộn, hai bố con Đô đang ngồi ăn cơm. Nhớ con, chị chạy sà vào ôm thì bé đẩy mẹ ra và kêu nhặng lên: “Mẹ đi chỗ khác, mẹ hôi quá!”

Anh chị đều chưng hửng, tròn mắt vì câu nói đó của con.

Cũng trong hoàn cảnh muối mặt vì con hay chê là gia đình anh Thông chị Yến (Hoàng Mai, Hà Nội). Ngọc Linh – con gái anh chị rất đáng yêu, biết vâng lời bố mẹ nhưng dạo gần đây, không hiểu Linh học từ ai mà bé rất hay chê bai.

Chị ở nhà bố mẹ chồng, ông bà ngoại thì ở mãi dưới quê, một năm chỉ lên thăm cháu được đôi lần. Sắp hết năm, anh chị hẹn hò, rủ rê đưa con về thăm ông bà.

4 tuổi, lần đầu Linh được về quê, anh chị cứ ngỡ chắc hẳn con bé sẽ thích lắm đây nhưng ai ngờ đến đâu bé cũng… dài “mỏ” chê bai.

“Sao nhà ông bà ngoại cũ kỹ và hôi rình thế mẹ?”

“Sao không có bô riêng của con?”

“Ông ngoại sao nhăn nheo và tay bẩn thế?”

Trước mặt ông bà ngoại, họ hàng, làng xóm, anh chị xấu hổ lắm khi nghe con thảng thốt như vậy.

Xử trí bé hay chê

Khi nghe thấy con mình chê ai đó, bậc phụ huynh không nên mắng con rằng con đã sai, vì như vậy là cha mẹ vô tình không tôn trọng, áp đặt ý kiến lên con.

Chị Thảo Lan (33 tuổi, Cống Quỳnh, Hà Nội) – mẹ bé Vừng chia sẻ cách “trị” tật hay chê của bé: “Mình cũng đã từng rất ngại khi con buông ra những câu chê bai trước mặt người khác. Mình mới áp dụng một cách này và thấy bé dường như ‘đỡ dần’. Mình khuyên Vừng hãy cảm nhận cảm giác khi chính mình ở trong hoàn cảnh, vị trí của người bị chê, con cảm thấy thế nào?”.

Một lần, đón con ở trường, Vừng vừa nhìn thấy mẹ, bé đã chạy vội ra rối rít: “Hôm nay, ở lớp có bạn Gà gô ra chỗ con và muốn chơi đồ chơi cùng, Nhưng con không cho chơi mẹ ạ”.

Chị ngạc nhiên thì bé nói tiếp: “Tại bạn ý nói ngọng. Quê lắm. Lớp con ai cũng trêu bạn Gà gô”.

Chị nhẹ nhàng bảo: “Con biết không, năm ngoái con cũng bị nói ngọng đấy nhưng năm nay hết rồi. Con nghĩ thế nào nếu như năm ngoái không ai chơi với con? Con có vui không?”

Vừng mới gật gù: “Con sẽ buồn lắm”.

Chị nói tiếp: “Thế lần sau con đừng chê bạn con nhé”.

Bé đỏ mặt: “Con sẽ không chê bạn ấy nữa đâu ạ”. Bằng cách đó, Vừng nhà chị Lan cũng dần dần không còn chê các bạn nữa.

Bên cạnh đó, bé rất yêu ông bà, bố mẹ, bạn cứ đặt bé vào hoàn cảnh “mọi người chê bố mẹ thế, con có vui không?”. Chắc hẳn, bé sẽ hiểu ra vấn đề.

Trước khi bạn muốn yêu cầu con làm việc gì, bạn cần xem xét trạng thái tình cảm của con tại thời điểm đó. Bạn hãy lắng nghe những suy nghĩ mà con muốn nói. Đôi khi lắng nghe con trình bày, bạn sẽ tìm ra nguyên nhân sâu xa của cái sự chê bai đó.
Mỗi khi bé tấm tắc khen một vấn đề gì, bố mẹ cần khen ngợi con luôn để con thấy tầm quan trọng của một lời khen lớn và ý nghĩa như thế nào.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]