Để bé yêu vui, khỏe ngày Tết (2)

GiadinhNet - Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ngày Tết khiến giờ giấc sinh hoạt gia đình thay đổi, các bà mẹ nên dành thời gian nhiều hơn đến chế độ ăn của trẻ.

15.6004
>
 
II - Dinh dưỡng cho bé ngày Tết
 
Nhiều gia đình trong dịp Tết có truyền thống chế biến sẵn thức ăn để ăn dần trong nhiều ngày. Dù thức ăn đã nấu chín nhưng nếu để lâu vẫn có nguy cơ gây ngộ độc thức ăn. Do đó, trước khi cho trẻ dùng, cần hâm nóng lại tất cả đồ ăn; không để thực phẩm lưu cữu lâu ngày trong tủ lạnh, nên chế biến ngày nào ăn ngày đó.
 

Trong những ngày Tết, trẻ vận động và chạy nhảy nhiều, vấn đề nước uống cũng rất quan trọng, thiếu nước trẻ dễ táo bón. Cần tính đủ lượng cho các cháu trong ngày; thường những trẻ 1 tuổi thì đảm bảo nước uống (bao gồm cả nước canh, sữa) khoảng 1lít/ngày; đối với những trẻ lớn hơn, có thể từ 1-1,5lít/ngày. Nước có thể dùng nước lọc, nước canh, nước hoa quả, sữa... Hạn chế cho trẻ uống các loại nước ngọt, nước có ga, vì có thể khiến trẻ bị đầy hơi, ngang dạ (đường huyết tăng cao ức chế tiết men tiêu hóa), gây ức chế sự thèm ăn ở trẻ, có thể dẫn đến suy dinh dưỡng ngay trong ngày Tết.

Không nên cho trẻ được “thả lỏng” ăn vặt mà vẫn ăn đủ bữa như ngày thường. Hạn chế cho trẻ “tiện tay” ăn quá nhiều thực phẩm có nhiều chất béo, năng lượng như: Bánh kẹo, mứt, giò chả, xúc xích, lạp sườn, thịt đông, bánh chưng hay thức ăn có nhiều dầu mỡ... tránh nguy cơ béo phì trong và sau Tết. Rau câu, rau xanh, mồng tơi, rau đay, đọt rau lang, rau muống... là những loại rau rất tốt cho quá trình tiêu hóa. Để thay đổi cơ cấu thành phần bữa ăn, bố mẹ nên sử dụng thêm quả chín như cam, chuối, đu đủ, bưởi..., là những hoa quả giàu vitamin và khoáng chất.

Một điều cần lưu tâm nữa, theo PGS. TS Lâm là ngày Tết, trẻ lớn tuổi có thể có sẵn tiền, bố mẹ nên kiểm soát chặt việc mua sắm của trẻ. Không nên cho trẻ mua tự do các thực phẩm trôi nổi trên thị trường vì có nhiều sản phẩm ngày Tết không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, thực phẩm quá hạn sử dụng, sử dụng phẩm màu, phụ gia...           

Tủ thuốc gia đình nên có sẵn nước nhỏ mũi Natriclorid 9%0; thuốc ho; nước Orezol bù nước điện giải đề phòng tình huống trẻ bị tiêu chảy, ngộ độc thức ăn; thuốc hạ sốt (paracetamol). Dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt trên 38,5oC, với liều lượng 10-15mg/kg cân nặng/1 lần, mỗi lần cách nhau 6 giờ. Tuỳ theo trường hợp những cháu có tiền sử sốt giật, gia đình cần có biện pháp giám sát trẻ chặt chẽ.      

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm

Võ Thu

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]