Nông sản, đồ gỗ, dệt may… là những mặt hàng được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) vừa được ký kết. Miễn thuế, hạn ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc tăng lên, song nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam cần có những chiến lược kinh doanh, chuẩn bị các giải pháp cạnh tranh mới có thể chớp được cơ hội này.

Sáng tạo, đa dạng trong chế biến

Thủy sản, đặc biệt là tôm được xem là mặt hàng hưởng lợi nhiều, có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu ngay trong năm nay.

Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết trước đây việc xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc rất khó khăn. Hạn ngạch nhập khẩu đưa ra mỗi năm chỉ 10.000 tấn chia đều cho các nước xuất khẩu tôm ASEAN. Việt Nam chỉ tận dụng xuất khẩu được 2.500 tấn tôm/năm. Chính nhà nhập khẩu thủy sản Hàn Quốc cũng gặp khó vì thủ tục đăng ký hạn ngạch với cơ quan chức năng, nếu không nhập đủ hạn ngạch còn bị xử phạt, số lượng tôm nhập quá hạn ngạch lại chịu mức thuế rất cao. Vì vậy với hạn ngạch mới được miễn thuế, mỗi năm Hàn Quốc sẽ nhập 15.000 tấn tôm của Việt Nam (theo Hiệp định VKFTA) sẽ là cơ hội cực kỳ tốt cho ngành xuất khẩu tôm nước ta.

Tuy nhiên, theo ông Lĩnh, nếu Việt Nam làm sản phẩm tôm chỉ qua sơ chế rồi đông lạnh xuất khẩu thì chắc chắn sẽ thất bại. Lý do là loại tôm Việt Nam chưa qua chế biến giá cao hơn 2-3 USD/kg so với tôm Ấn Độ, Indonesia vì hai nước này giá thành sản xuất thấp. Vì vậy muốn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc (không chỉ tôm mà sản phẩm thủy sản nói chung), DN phải tạo giá trị gia tăng cao cho sản phẩm mới cạnh tranh được. Hiện nay mặt hàng thủy sản khô, tôm chế biến của Việt Nam đã chiếm ưu thế ở Hàn Quốc.

Sơ chế chanh xuất khẩu. Ảnh: QUANG HUY

Ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Agrex Saigon, cho biết hiện nay nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc đang hưởng thuế suất bằng 0, hưởng lợi chung từ hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc. Khó khăn hiện tại là vấn đề cạnh tranh tại chính thị trường Hàn Quốc với các nước xuất khẩu có nhiều ưu thế như Thái Lan, Trung Quốc. Như mặt hàng thực phẩm chế biến của Thái Lan đang rẻ hơn Việt Nam. Đó là chưa kể chất lượng sản phẩm nhỉnh hơn nước ta nhờ vượt trội về công nghệ chế biến, bảo quản. Song theo ông Long, hiện nay Việt Nam lại chiếm ưu thế với các nước xuất khẩu khác là những sản phẩm chế biến thủ công. Người tiêu dùng Hàn Quốc đặc biệt ưa thích những sản phẩm truyền thống được chế biến bằng tay. Vì vậy đối với ngành thực phẩm chế biến, DN Việt Nam cần chú trọng những sản phẩm thủ công có sự khác biệt, độc đáo, đa dạng hóa sản phẩm. Và muốn làm được điều đó, DN phải đào tạo những lao động có kỹ năng, tay nghề cao, đồng thời sáng tạo đa dạng trong cách chế biến.

Phải biết người Hàn muốn gì

Theo ông Trần Ngọc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, trái cây Việt Nam xuất sang Hàn Quốc số lượng rất ít vì mức thuế nhập khẩu vào Hàn Quốc khá cao, như thanh long lên tới 45%. Nếu miễn thuế thì đây sẽ là đầu ra mới cho trái cây. Thế nhưng cũng như Nhật, Hàn Quốc vốn được xem là thị trường khó tính vì có những quy định chặt chẽ về điều kiện đối với nông sản nhập khẩu. Kỹ thuật chiếu xạ, xử lý nước nóng rồi bảo quản trái cây là những yêu cầu Việt Nam phải làm tốt.

TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, phân tích DN Việt Nam cần biết điểm yếu hay mắc phải là chưa đảm bảo tính đồng nhất sản phẩm về kích thước, màu sắc, kỹ thuật đóng gói bao bì kém, chưa chọn lọc kỹ sản phẩm, để lẫn nhiều sản phẩm hỏng, lẫn nhiều dị vật như đất, tóc, lá cây… Nhiều DN chỉ chú trọng những lô hàng xuất khẩu đầu tiên, sau đó lơ là, làm ẩu, thiếu chuyên nghiệp trong kinh doanh.

“Chọn thời điểm xuất khẩu để cạnh tranh cũng là chiến lược mà DN cần chú ý khi xuất hàng sang Hàn Quốc. Gần đây, các mặt hàng Trung Quốc chứa nhiều chất độc hại nên uy tín đã bị giảm sút đáng kể. Đây là cơ hội để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường. Thứ nữa, mùa đông ở Hàn Quốc kéo dài đến 4-5 tháng nên rau quả tươi trong mùa này hiếm, giá cao. Các tháng cuối năm người Hàn làm kim chi nên nhu cầu nhập khẩu rau cải thảo, gừng, ớt rất lớn” - TS Mai thông tin.

Theo đại diện một DN đang xuất khẩu đồ gỗ sang Hàn Quốc, văn hóa ăn, mặc, ở giữa Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Xu hướng tiêu dùng của người Hàn Quốc hiện nay là tối giản hóa những vật dụng trong nhà, vì vậy họ chọn các sản phẩm đồ gỗ nội thất kích thước nhỏ nhưng có nhiều tính năng, giá bình dân. Ngoài ra họ thích những đồ gỗ trang trí. Vì vậy đòi hỏi DN đồ gỗ Việt Nam chú trọng đến những mẫu sản phẩm đơn giản, đa dụng.

Cần chăm chút nhãn mác

Đại diện một DN Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam lưu ý DN Việt Nam nên chú ý về nhãn mác, thông tin chi tiết của nhà nhập khẩu và tên gọi, nguồn gốc của sản phẩm, các giấy chứng nhận y tế và an toàn vệ sinh thực phẩm phải dịch sang tiếng Hàn. Thông tin không nên ghi chung chung. DN Việt Nam nên tạo mối quan hệ trực tiếp với đối tác Hàn Quốc hoặc thông qua đại lý tin cậy của họ để hiểu rõ hơn các tiêu chuẩn của ngành hàng, thị hiếu của người tiêu dùng…

Kiểm soát để tránh hàng rào kỹ thuật

Một thuận lợi nhưng cũng là thách thức đối với DN xuất khẩu thủy sản và nhiều ngành khác của Việt Nam là Hàn Quốc cam kết không sử dụng và hạn chế hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Trước đây, thủy sản Việt xuất sang nước này bị cảnh báo nhiễm kháng sinh. Sau đó, Hàn Quốc đã dùng biện pháp mạnh kiểm tra 100% lô hàng thủy sản Việt Nam xuất sang khiến DN nước ta bị thiệt hại rất lớn, tốn thêm nhiều chi phí. Để được dỡ bỏ hàng rào kỹ thuật, DN Việt Nam cần phải kiểm soát chất lượng hàng hóa, có trách nhiệm truy xuất nguồn gốc nguyên liệu chặt chẽ.

Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam - VASEP

QUANG HUY

Video đang được xem nhiều