Để làm tốt bài thi "test"

Để giúp các em yên tâm, vững tin làm tốt bài thi trắc nghiệm khách quan, chúng tôi xin dẫn một vài lời khuyên của Tiến sĩ Nguyễn Lộc, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục (Bộ GD-ĐT).

0

Thi theo kiểu trắc nghiệm không khó hơn thi theo kiểu “tự luận”: Thuật ngữ “trắc nghiệm” dịch sang tiếng Anh là “test” (có nghĩa là bài kiểm tra, bài thi, bài đố…). Thực chất bài trắc nghiệm là phân chia các nội dung kiến thức, kỹ năng cần được đánh giá thành những đơn vị nhỏ đến mức người thực hiện trắc nghiệm có thể trả lời trong vòng một vài phút.

 

Người ta phân biệt tới 5 loại trắc nghiệm khác nhau. Trắc nghiệm mà các em chuẩn bị thực hiện vào kỳ thi 2006 tới thuộc loại “trắc nghiệm thành tích học tập”. Đây là loại trắc nghiệm nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh về một môn học cụ thể, ở một mức độ cụ thể, không mang tính chất “đánh đố”.

 

Hãy học tất cả các nội dung của môn học một cách chắc chắn, cơ bản và hệ thống: Số lượng câu hỏi trong bài thi tự luận rất hạn chế nên bài thi chỉ có thể đề cập đến một vài nội dung nhất định của môn học. Bài thi trắc nghiệm khách quan (TNKQ) có rất nhiều câu hỏi và các câu hỏi này ngẫu nhiên đề cập đến các nội dung khác nhau của môn học, thời gian làm bài cũng được tính toán hợp lý nên học sinh không thể chỉ dựa vào “học tủ” hoặc quay cóp để làm bài.

 

Các nội dung của một môn học đã được sắp xếp trong một hệ thống hoàn chỉnh và có mối liên hệ chặt chẽ. Nếu học hết các nội dung trong sách giáo khoa, trả lời hết câu hỏi và giải hết bài tập trong sách giáo khoa và sách bài tập, các em sẽ dễ dàng đạt điểm cao khi làm trắc nghiệm.

 

Thường xuyên rèn luyện nâng cao kỹ năng thực hiện bài thi TNKQ: Vì bài thi TNKQ được thiết kế khác với kiểu tự luận quen thuộc nên các em cần rèn luyện thói quen đọc và hiểu đúng các yêu cầu của câu hỏi và nội dung của các phương án trả lời. Trong khi đó các phương án trả lời có nội dung hao hao giống nhau, song chỉ có một phương án đúng nên cần phân bố thời gian hợp lý cho các câu. Câu nào cảm thấy khó thì nên chuyển sang làm câu khác. Các em nên dành thời gian để kiểm tra lần cuối các phương án trả lời trước khi nộp bài.

 

Tập thành thạo cách tô đậm các ô trả lời bằng bút chì, đủ độ đậm, vừa kín vòng tròn, nhanh. Mặt khác, các em cần luyện kỹ năng tẩy các phương án trả lời sai, tẩy sạch mà không làm rách giấy thi.

 

Tập làm các bài TNKQ mẫu trong điều kiện như thật: Các em nên chịu khó sưu tầm các bài TNKQ mẫu (có nội dung và cấu trúc tương tự) và tập làm các bài mẫu này theo quy định thời gian nhất định. Ví dụ, ở môn Tiếng Anh, các em có thể chọn một số bài trắc nghiệm TOEFL trong các tài liệu luyện TOEFL có bán rộng rãi tại các cửa hàng sách. Nhà xuất bản ĐH Quốc gia TPHCM cũng vừa cho ra mắt quyển 36 bộ đề thi trắc nghiệm Tiếng Anh của Lê Ngọc Bửu dành cho học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Các em cũng có thể tham khảo ở diễn đàn của Bộ GD-ĐT http://forum.edu.net.vn.

 

Chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cần thiết để làm bài TNKQ: Ngoài các đồ dùng cần thiết cho một bài thi thông thường, đối với thi trắc nghiệm cần chuẩn bị thêm từ 3-5 bút chì màu đen đã gọt sẵn. Nhớ không được quên mang theo tẩy chì và dụng cụ gọt bút chì.

 

Theo Hà Nội Mới

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]