Đề phòng bệnh viêm V.A ở trẻ mùa lạnh

Thời tiết lạnh đột ngột hay lạnh kéo dài dễ khiến trẻ bị bệnh viêm V.A. Dưới đây là những lưu ý dành cho các bậc cha mẹ để phòng tránh bệnh cho con em mình.

15.5943
BS. Chuyên khoa II Nguyễn Tuyết Mai, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Tai mũi họng Trung ương, cho biết, trong họng có nhiều tổ chức lympho rải rác khắp niêm mạc hoặc tập trung thành từng khối ở mặt trước của họng. Khi tổ chức này viêm hoặc quá phát thành khối gọi là sùi vòm họng hay còn gọi là viêm V.A. Bệnh gây cản trở đến việc hít thở không khí.

Ở nước ta tỷ lệ trẻ viêm V.A chiếm khoảng 30%, lứa tuổi mắc bệnh nhiều nhất từ 2 - 5 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh là do trẻ bị lạnh đột ngột hay lạnh kéo dài, hoặc do các bệnh nhiễm trùng lây như cúm, sởi, ho gà, do các tổ chức lympho phát triển và dễ nhiễm trùng. Do cấu trúc và vị trí của V.A có nhiều khe kẽ và ngóc ngách dễ là nơi trú ẩn và phát triển của vi trùng.

Viêm V.A được chia thành 2 dạng là viêm V.A cấp tính và viêm V.A mãn tính. Viêm V.A cấp tính là viêm nhiễm xuất tiết hoặc có mủ ở amidan vòm họng ngay từ khi còn nhỏ. V.A mãn tính là tình trạng quá phát hoặc xơ hoá của V.A sau nhiều lần viêm bán cấp tính.

Với các trẻ hay có triệu chứng viêm mũi họng, chảy nước mũi, ngạt mũi thì thường hay bị viêm V.A. Sau khi được các bác sĩ khám và kê thuốc, bệnh nhân thường điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, cá biệt có một số trường hợp bệnh quá nặng, bệnh nhân phải nằm điều trị tại viện để các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật nạo V.A.

Nạo V.A là một thủ thuật khá đơn giản, có thể thực hiện dưới gây mê hoặc gây tê tại chỗ. Thủ thuật chỉ diễn ra trong vòng vài phút và bệnh nhi có thể về nhà sau đó chừng nửa giờ đồng hồ. Tuy nhiên, nếu không tiến hành điều trị dứt điểm, viêm V.A có thể gây ra những biến đổi đặc trưng trên khuôn mặt của trẻ và gây ra những biến chứng nguy hiểm như: viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm thanh quản, hạ thanh môn, áp se thành sau họng.

Mặc dù có nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng viêm V.A hoàn toàn có thể phòng ngừa. Để phòng tránh bệnh cho trẻ tốt nhất là vệ sinh mũi, họng cho trẻ thường xuyên. Khi trẻ bị viêm mũi họng cha mẹ cần rửa mũi cho con. Sau khi trẻ ăn xong cần cho trẻ súc miệng, họng bằng cách cho uống một chút nước. Hàng ngày thường xuyên rửa mũi cho trẻ bằngnước muối sinh lý.

Khi trẻ xuất hiện những dấu hiệu như sốt từ 38 - 40 độ, chảy mũi có nhầy, mủ, ngạt mũi, khó thở, khi ngủ thường ngáy to, mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc và hơi thở hôi, phụ huynh cần nhanh chóng đưa con đến phòng khám chuyên khoa tai mũi họng kịp thời để khám và điều trị.
 
AloBacsi.vn
Theo Thùy Minh - VnMedia
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]