Đẻ thuê, cơ hội hay nguy cơ?

Sau vấn đề giới tính thứ ba, đẻ thuê hay đẻ hộ đang là một hiện tượng gây tranh cãi trên khắp thế giới.

15.6014

Xin được sử dụng một hình ảnh mà chính người viết đã chứng kiến để miêu tả về thực trạng vấn đề đẻ thuê trên thế giới hiện nay. Trên một sạp báo bình thường tại Hà Nội, hai tờ báo được đặt cạnh nhau (có lẽ vô tình). Một tờ báo giật tít lớn về vụ án phanh phui đường dây đưa phụ nữ Việt Nam sang Thái Lan đẻ thuê. Và một tờ tạp chí chụp bức ảnh cặp vợ chồng đồng tính Elton John và David Furnish hạnh phúc bên đứa con được đẻ thuê.

Mốt hay một nhu cầu

Cặp nhà Elton John tất nhiên không phải những ngôi sao đầu tiên ở Hollywood có con nhờ đẻ thuê. Nếu tính sơ sơ, hiện nay giới showbiz Mỹ đã có không dưới 20 gia đình hoặc cá nhân thừa nhận có con bằng cách thuê người khác đẻ hộ. Đó là chưa kể những người không công bố sự việc. Tiên phong là nữ diễn viên Dierde Hall, người tuyên bố mình đã “nhờ” mang thai hộ năm 1992. Cô này sau đó đã thực hiện cả một bộ phim truyền hình thành công về cuộc đời hiếm muộn và câu chuyện “thuê đẻ” của mình. Sau đó là Sarah Jessica Parker, nữ diễn viên nổi tiếng của Sex and the City. Cô này cũng đang nuôi nấng hai cô con gái do một người phụ nữ khác mang thai hộ. Cô có lẽ là một trong những nghệ sĩ chịu nhiều áp lực nhất về chuyện “thuê đẻ”.
 

Trong sự bùng nổ của “mốt” thuê đẻ cuối năm 2010 tới nay có thể nhắc tới những cái tên như Ricky Martin (anh công bố mình nhờ người đẻ thuê sau đó lại tuyên bố mình là người đồng tính), rồi Matthew Broderick, vợ chồng nhà Nicole Kidman và Keith Urban, cầu thủ Christiano Ronaldo… “Họ đều có những lý do không hề kém phần chính đáng như sức khoẻ, khả năng sinh sản, tuổi tác… Và họ đều coi việc có một đứa con là hoàn toàn nghiêm túc và thiêng liêng”, bà Joanne Bubrick, chủ nhiệm trung tâm dịch vụ đẻ thuê CSP cho biết. Ra đời từ năm 1980 và tồn tại đến ngày nay, CSP chính là nơi đã giúp cho nhu cầu “thuê đẻ” của các ngôi sao Hollywood được hiện thực hoá. “Giá của một hợp đồng đẻ thuê từ 70 tới 130 ngàn đôla. Hàng năm chúng tôi thực hiện hàng trăm hợp đồng như vậy và con số ngày càng tăng lên trong mấy năm qua”.

Phải chăng “thuê đẻ” trở thành chuyện ầm ĩ vì nó đang được các ngôi sao Hollywood coi như một cái mốt? Các ngôi sao không phải đối tượng duy nhất sử dụng dịch vụ này. Truy cập vào địa chỉ SurrogateMother.com, bạn sẽ được gia nhập cộng đồng những người quan tâm tới vấn đề đẻ thuê. Ở đây những người có nhu cầu cần nhờ mang thai hộ và những người có thể chấp nhận đẻ thuê trên khắp thế giới gặp nhau và tìm hiểu về nhau. “Chúng tôi không khuyến khích chuyện mua bán và chúng tôi không hề môi giới hoặc nhận những khoản tiền môi giới. Đơn giản chúng tôi muốn tạo nên một nơi cho những người quan tâm vấn đề này có thể tìm thấy nhau”, bà Ivory Howell, một trong những người quản trị của trang web cho biết.

Rất bất ngờ, người viết đã đọc được tại đây nhiều câu chuyện thú vị. Những người mẹ mang thai hộ chia sẻ sự phát triển của cái thai với mọi người và đặc biệt là cặp bố mẹ đang mong ngóng đứa trẻ. Những cặp bố mẹ hiếm muộn hoặc không có khả năng sinh con dành những lời cảm ơn và chia sẻ chân thành khi đứa trẻ được sinh ra khoẻ mạnh và trở thành con của họ. “Nếu nhìn nhận vấn đề một cách tích cực, bạn sẽ thấy mọi chuyện rất nhân văn. Đứa trẻ sinh ra theo cách này hoàn toàn là sự tự nguyện của cả hai bên. Và chúng đem lại hạnh phúc cho những người tưởng chừng cuộc sống chẳng còn gì ý nghĩa”.

Vấn đề tranh cãi

Năm 2006 tại Úc đã xảy ra một sự kiện gây xôn xao. Thượng nghị sĩ trẻ Stephen Conroy và vợ Paula Benson đã nhờ người bạn thân của mình đẻ hộ khi họ biết Paula bị một khối u và việc cắt bỏ nó khiến cô không thể mang thai được nữa. Vị nghị sĩ này đang sống tại thành phố Victoria, nơi mà việc đẻ thuê là phi pháp. Vì thế ông đã đưa người đẻ thuê tới Sydney, ở đây chấp nhận sinh con hộ. Cô bé Isabella đã ra đời, xinh xắn và khoẻ mạnh. Khi câu chuyện bị một tờ báo tại Úc phát hiện và đặt câu hỏi về sự “lách luật” của ông thượng nghị sĩ, một cuộc tranh luận lớn đã nổ ra tại Úc. Một phe cho rằng hành vi của Stephen Conroy không xứng đáng để ông giữ vị trí thượng nghị sĩ và nó vi phạm nghiêm trọng đạo đức con người. Số khác ủng hộ cặp vợ chồng trẻ và cho rằng chỉ cần người đẻ hộ hoàn toàn tự nguyện thì chẳng có gì là sai trái.

Hiện nay tại Úc, luật cho phép đẻ thuê đã gần phủ sóng toàn bộ các thành phố và bang của đất nước này. Nhưng vấn đề trên vẫn còn rất phức tạp và gây tranh cãi tại nhiều quốc gia. Tại châu Âu một số nước như Ý, Pháp, Hungary việc đẻ thuê bị cấm hoàn toàn. Nhưng tại Thuỵ Điển vấn đề này vẫn không rõ ràng và cụ thể. Còn Mỹ, Anh hay Canada thì chấp nhận việc đẻ thuê với điều kiện đảm bảo những yêu cầu của pháp luật. Hầu hết các nước châu Á hiện nay vẫn coi đẻ thuê là một tội ác. Duy chỉ có Ấn Độ, quốc hội nước này năm 2002 đã thông qua luật cho phép đẻ thuê.

Sự tranh cãi xung quanh vấn đề này nảy sinh từ mặt trái của sự việc. Việt Nam không phải quốc gia đầu tiên phát hiện những đường dây môi giới đẻ thuê bất hợp pháp. Trong năm năm qua theo thống kê của Interpol, đẻ thuê đã trở thành một hình thức buôn bán bất hợp pháp phát triển mạnh. Nó gắn liền với vấn đề buôn bán người, nô lệ tình dục, v.v.

Số phận của những người mẹ đẻ thuê cũng không phải ai cũng may mắn và suôn sẻ. Năm 2005 tại Mỹ đã xảy ra một vụ kiện đau lòng. Một người mẹ đẻ thuê, cô Helen Beasley 26 tuổi đã bị kiện và đòi bồi thường vì vi phạm hợp đồng đẻ thuê. Cô nhận đẻ thuê cho vợ chồng ông Charles Wheeler. Nhưng sau khi thụ thai, thay vì mang thai một đứa trẻ, cô Helen được biết mình mang con sinh đôi. Cô báo với gia đình ông Charles nhưng họ không có động thái gì. Cho tới tuần thai thứ 13 vợ chồng người đàn ông này mới nói với Helen rằng họ “đặt hàng” một đứa con và sẽ chỉ nhận một đứa con.
 
Cô có muốn phá thai hay làm cách nào thì tuỳ. Hành động tàn nhẫn của cặp vợ chồng này khiến Helen vô cùng đau khổ nhưng bản thân cô cũng đang nuôi cậu con trai bảy tuổi trong điều kiện không hề giàu có. Cuối cùng cô quyết định phá bỏ hợp đồng. Cặp vợ chồng nhà Wheeler kiện cô ra toà. Helen phải chịu một khoản phạt là 3.000 đôla do xét hoàn cảnh và tình trạng sự việc. Số tiền này gấp ba lần số tiền Helen nhận được từ vợ chồng Wheeler.

Câu chuyện của cô Helen cũng chỉ là một trong nhiều sự việc nói lên mặt trái của vấn đề đẻ thuê. “Chúng ta đang coi những đứa trẻ như một thứ hàng hoá được mua bán với vấn đề đẻ thuê. Liệu khi lớn lên và biết mình được sinh ra bằng một cách bất bình thường như vậy, bọn trẻ sẽ ra sao?” Bác sĩ John Huckinson thuộc bệnh viện Washington, một trong những sáng lập viên của hiệp hội Ngăn chặn đẻ thuê bất hợp pháp tại Mỹ phát biểu: “Chưa kể rằng sự bùng nổ của hình thức thuê đẻ sẽ có thể dẫn tới nguy cơ lười đẻ ở một bộ phận xã hội. Hãy thử tưởng tượng một thế hệ những đứa trẻ được thuê đẻ ra. Đẻ thuê chính là một nguy cơ lớn của thoái hoá giống nòi!”

Sau vấn đề giới tính thứ ba, đẻ thuê hay đẻ hộ đang là một hiện tượng gây tranh cãi trên khắp thế giới. Bởi nó liên quan tới quá nhiều vấn đề của xã hội từ văn hoá, đạo đức, y học, di truyền và cả tội phạm.
 
Theo Thanh Minh
SGTT
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]