Để tổ chức dạy học “Bàn tay nặn bột” có hiệu quả

GD&TĐ - Trong phương pháp Bàn tay nặn bột (BTNB), vai trò tổ chức và hướng dẫn của người thầy rất quan trọng, có tính quyết định.

15.593

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít giáo viên chưa nắm vững phương pháp cũng như cách thức tổ chức dạy học BTNB.

Phương pháp BTNB là một phương pháp dạy học mà trong đó học sinh tiến hành các thao tác trí tuệ có sự hỗ trợ của một số dụng cụ và những giác quan để nghiên cứu, tìm tòi, khám phá tri thức mới.

Đây là phương pháp dạy học tích cực dựa trên thí nghiệm nghiên cứu, áp dụng cho việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên, trong đó học sinh được đặt vào vị trí của một nhà nghiên cứu khoa học.

Phương pháp này chú trọng hình thành kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm tìm tòi nghiên cứu để chính các em tự tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu, trao đổi, thảo luận nhóm... dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Để tổ chức dạy học theo phương pháp BTNB đạt hiệu quả, giáo viên cần lưu ý một số nội dung sau:

Tổ chức lớp học:

Thực hiện dạy học theo phương pháp BTNB có rất nhiều hoạt động theo nhóm. Vì vậy, nếu muốn tiện lợi cho việc tổ chức thảo luận, hoạt động nhóm thì lớp học cần phải sắp xếp lại bàn ghế theo nhóm cố định.

Tuy nhiên, ở nước ta các phòng học được sắp xếp theo dãy truyền thống. Do đó, giáo viên cần bố trí bàn ghế, vật dụng trong lớp phù hợp với hoạt động nhóm, ngoài ra giáo viên phải tạo được không khí lớp học vui vẻ, thoải mái, thích thú cho học sinh trong học tập.

Giúp học sinh bộc lộ quan điểm ban đầu:

Quan điểm ban đầu của học sinh thường là các quan niệm hay khái quát chung về sự vật, hiện tượng, có thể sai hoặc chưa chính xác về mặt khoa học.

Giáo viên nên khuyến khích học sinh trình bày ý kiến của mình; giáo viên phải biết chấp nhận và tôn trọng những quan điểm sai của học sinh, không nên có nhận xét đúng - sai sau khi học sinh trình bày.

Biểu tượng ban đầu càng đa dạng, phong phú, càng sai lệch với ý kiến đúng thì tiết học càng sôi nổi, thú vị, gây hứng thú cho học sinh. Do đó, ý đồ dạy học của giáo viên càng dễ thực hiện được.

Tổ chức hoạt động thảo luận cho học sinh:

Thảo luận được thực hiện ở nhiều thời điểm trong dạy học. Có hai hình thức thảo luận trong dạy học theo phương pháp BTNB là thảo luận nhóm nhỏ (trong nhóm làm việc) và thảo luận nhóm lớn (toàn bộ lớp học).

Thảo luận nhóm nhỏ tạo điều kiện cho tất cả học sinh đều có cơ hội trình bày ý kiến của mình, được tiến hành sau khi giáo viên chia nhóm và giao nhiệm vụ; còn thảo luận theo nhóm lớn có thể được tổ chức sau khi thực hiện thảo luận theo nhóm nhỏ, các nhóm cử đại diện của nhóm trình bày ý kiến.

Trong thảo luận, giáo viên chỉ là người hướng dẫn, giúp các em tìm thấy sự thống nhất ý kiến và khuyến khích học sinh thảo luận tích cực.

Đặt câu hỏi:

Trong dạy học theo phương pháp BTNB, câu hỏi của giáo viên đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của phương pháp và thực hiện ý đồ dạy học.

Câu hỏi tốt có thể giúp cho học sinh xác định rõ phần trả lời của mình và làm tiến trình dạy học đi đúng hướng. Trong dạy học giáo viên thường sử dụng câu hỏi nêu vấn đề và câu hỏi gợi ý.

Câu hỏi nêu vấn đề là câu hỏi lớn của bài học hay môđun kiến thức. Các câu hỏi gợi ý được giáo viên đặt ra và sử dụng trong qua trình làm việc với học sinh nhằm gợi ý, định hướng cho các em rõ hơn hoặc kích thích một suy nghĩ mới của học sinh.

Hướng dẫn học sinh phân tích thông tin, hiện tượng quan sát khi nghiên cứu:

Khi làm thí nghiệm hay quan sát hoặc nghiên cứu tài liệu để tìm ra câu trả lời, giáo viên cần hướng dẫn học sinh biết chú ý đến các thông tin chính để rút ra kết luận tương ứng với câu hỏi.

Ví dụ, đối với các thí nghiệm cần quan sát một số hiện tượng để rút ra kết luận, giáo viên nên lưu ý cho học sinh chú ý vào các hiện tượng để lấy thông tin, nhắc nhở học sinh bám vào mục đích thí nghiệm để làm gì, trả lời câu hỏi nào...

Đối với các thí nghiệm cần đo đạc, lấy số liệu, giáo viên yêu cầu học sinh ghi chép lại các số liệu để từ đó rút ra nhận xét. Tôt nhất, giáo viên nên chuẩn bị mẫu ghi chú kết quả thí nghiệm và phát cho học sinh lúc bắt đầu làm thí nghiệm.

Hiện nay, ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (NQ29) về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, do đó đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh là một nhiệm vụ cấp thiết và có tính thời sự.

Tuy nhiện, để thực hiện Đổi mới cân bản toàn diện giáo dục và đào tạo thì vai trò của người thầy vô cùng quan trọng, có tính quyết định.

Do đó, đòi hỏi người giáo viên không chỉ nắm vững kiến thức và phương pháp dạy học hiện đại mà phải biết vận dụng các phương pháp thích hợp để tổ chức dạy học cho từng nội dung kiến thức cụ thể.

Có như vậy mới kích thích được sự say mê, hứng thú học tập, sáng tạo của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu mới của đất nước.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]