Cãi lại cha mẹ hoặc nghe lời một cách gượng ép là cách cư xử thường gặp ở trẻ. Đây là hệ quả tất yếu của phương thức dạy con chưa hợp lý ở nhiều gia đình. Không hiếm phụ huynh thiếu quan tâm đến con, khi sự chuyển biến tâm lý theo chiều hướng xấu đã ăn sâu vào nếp sinh hoạt hằng ngày của trẻ thì họ mới phát hoảng.

Không nghe cha mẹ nói

Chị Phạm Thị Lưu (quận 9, TP.HCM) có hai con đang học lớp 6 và lớp 3. Chồng thường công tác xa nhà nên việc dạy dỗ con do một tay chị quán xuyến. Sau mỗi chuyến công tác, chồng chị Lưu về nhà thì hai con thường xa lánh cha. Anh nói gì chúng cũng không nghe... Khi con làm điều sai, chồng chị Lưu dạy bảo thì chúng cãi lại: “Mẹ bảo thế!”, “Bạn con nói thế!”.

Chung hoàn cảnh, vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Thu (quận 7, TP.HCM) có con gái đang học lớp 4. Do bận kinh doanh, vợ chồng chị gửi con gái cho bà ngoại và người giúp việc lo. Một hôm, anh chị đi làm về thì thấy con gái đang tự nối dây điện. Nghe mẹ quát, bé giãy nảy: “Con làm được. Bố mẹ chẳng biết gì cả!”.

Đáng lưu tâm hơn là trường hợp của chị Nguyễn Thị Hòe (quận 2, TP.HCM). Do mâu thuẫn, vợ chồng chị sống ly thân từ ba năm nay. Cũng chừng ấy năm, con chị vốn rất ngoan lại trở nên khó bảo, ai nói gì cũng cãi. “Ngay cả mẹ nói mà chúng cũng tỏ thái độ coi thường. Chúng sống kiểu vô cảm, suốt ngày chẳng hề nói chuyện với ai. Đến nỗi giữa hai anh em cũng ít khi nói chuyện với nhau” - chị Hòe lo lắng.

Từng công tác trong ngành giáo dục, cô Nguyễn Thị Thanh (cán bộ hưu trí) cho rằng nếu thiếu sự gần gũi với cha mẹ, trẻ con thường có khuynh hướng yêu trường lớp, thầy cô hơn gia đình. Áp lực học hành khiến trẻ suốt ngày chúi mũi vào sách vở. Thêm vào đó, cha mẹ lại quá bận rộn với kinh tế gia đình nên ít quan tâm đến con. Nhiều người để con tự học mà chẳng biết chúng thích hoặc không thích môn gì.

Ngoài gia đình, môi trường xã hội cũng ảnh hưởng lớn đến việc hình thành tính cách của trẻ. Ảnh minh họa: NGỌC CHÂU

Phó mặc con cho nhà trường là tình trạng phổ biến hiện nay. Do thời gian ở trường nhiều hơn ở nhà, trẻ ít có cơ hội gần gũi cha mẹ. Gánh nặng bài tập mà trẻ phải hoàn thành khi về nhà cũng vô tình ngốn hết thời gian mà lẽ ra chúng phải được ở bên cha mẹ.

Đừng bắt con làm “người lớn thu nhỏ”

Bà Nguyễn Thị Thanh Phương, chuyên viên tư vấn tâm lý giáo dục trẻ em, cho biết: Ở độ tuổi 12-14, trẻ có sự chuyển biến mạnh mẽ về tâm lý. Môi trường giao tiếp của trẻ ở giai đoạn này có ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành tính cách của trẻ. Do vậy, các thành viên trong gia đình cần chú ý đến cách cư xử trước mặt trẻ. Nếu giải quyết bất đồng một cách thiếu tế nhị, áp đặt trẻ hành động theo ý cha mẹ, trẻ sẽ có cách giải quyết tương tự đối với những người xung quanh.

Theo TS Võ Văn Nam, khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tính cách, tâm lý của trẻ. Trong đó, gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng giúp trẻ hình thành tính cách và nếp sinh hoạt tốt.

Trên thực tế, nhu cầu giao tiếp của trẻ rất lớn. Để tránh hình thành tính bảo thủ trong trẻ, người lớn cần dạy trẻ biết chấp nhận ý kiến của người khác. Qua đó, trẻ cũng trưởng thành hơn về mặt nhận thức. Để làm được điều này, cha mẹ cần đặt mình vào suy nghĩ của trẻ, tránh soi xét khi trẻ làm sai. Cha mẹ không nên xây dựng khung chuẩn về cư xử để buộc trẻ làm theo yêu cầu chủ quan của mình. “Việc bắt trẻ làm “người lớn thu nhỏ” sẽ phản tác dụng khi chúng được tiếp nhận những thông tin trái chiều trong cách ứng xử của gia đình” - TS Võ Văn Nam đúc kết.

Giúp trẻ tôn trọng ý kiến của người khác

Vài mách nhỏ dưới đây của các chuyên gia tâm lý giúp cha mẹ định hướng được cách giáo dục và phát triển tâm lý cho con theo chiều hướng tốt.

- Dành thời gian quan tâm, chia sẻ với con: Cha mẹ dành khoảng 20-30 phút sau mỗi buổi trẻ đến trường để chia sẻ về những việc trẻ đã làm trong ngày. Khoảng thời gian này tuy không nhiều nhưng sẽ giúp trẻ học được cách chia sẻ và giúp trẻ gần gũi với cha mẹ hơn.

- Tạo môi trường giao tiếp bình đẳng giữa cha mẹ với trẻ: Cha mẹ đừng ra khẩu lệnh: “Con phải thế này, con phải thế kia...”. Thay vào đó, hãy hỏi ý kiến trẻ về điều bạn muốn trẻ làm để hiểu được suy nghĩ của trẻ, từ đó biến việc trẻ “phải làm” thành việc trẻ “thích làm”.

- Tập cho trẻ cách phân tích vấn đề: Nên bắt đầu từ những phân tích đơn giản như “Theo con thế này là đúng hay sai, nên hay không?” để tập cách nhận định, đánh giá cho trẻ.

- Tạo niềm tin cho trẻ: Trong mắt trẻ thơ, gia đình luôn là thế giới muôn màu. Những ứng xử hằng ngày hay những chỉ dạy của cha mẹ luôn là chân lý với trẻ. Vì vậy, cha mẹ đừng thất hứa để tránh gây cho trẻ cảm giác mất niềm tin, hẫng hụt.

- Dạy cho trẻ về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và vai trò của gia đình với xã hội: Thay vì tặng những phần quà, bạn nên tặng cho trẻ những chuyến đi chơi với gia đình vào dịp cuối tuần khi trẻ làm được điều gì đó. Bằng cách này, bạn sẽ có cơ hội dạy trẻ về mối quan hệ giữa thành viên trong gia đình và giữa gia đình với xã hội. Những buổi sinh hoạt gia đình này cũng là bước đệm để trẻ hình thành ý thức tôn trọng mọi người.

ANH PHÚ


Video đang được xem nhiều