Để trẻ không còn khóc trong ngày đầu đi học

Hầu hết trẻ đều khóc trong ngày đầu đi học. Cha mẹ không nên tỏ ra quá xót con, thậm chí khóc trước mặt con, sẽ khiến bé cảm thấy việc đi học càng trở nên nặng nề đáng sợ.

15.5981

Khi bé Bống được gần 2 tuổi, chị Lan bắt đầu cho con đi học ở một trường mầm non tư thục. Từ khi sinh đến giờ, Bống vốn đã là một đứa trẻ hay quấy khóc, khó ăn khó ngủ, nên chị Lan rất lo lắng khi quyết định cho con đi trẻ.

Những ngày đầu tiên, chị luôn đón con về trong tình trạng quầng mắt con gái hơi sưng, chứng tỏ cả ngày con đã khóc khá nhiều. Về đến nhà là con cứ quấn lấy chân mẹ không rời khiến chị Lan rất khó có thể làm được việc khác.
 
Hầu như mọi đứa trẻ đều khóc khi bắt đầu đi học
 
Bé đã quen được chăm bẵm và chiều chuộng hàng ngày bởi những người thân trong gia đình. Bỗng một ngày bị tách rời khỏi vòng tay người thân để tiếp xúc với một môi trường mới, nếp sinh hoạt mới và xung quanh toàn là những người lạ. Sự thay đổi này khiến cho trẻ bị hụt hẫng, thậm chí là sốc dẫn đến việc quấy khóc suốt nhiều ngày liền.
 
Có những bé gào khóc suốt cả ngày, có những bé lại chỉ ngồi thút thít. Nhưng dù thế nào thì tiếng khóc hờn và nước mắt của bé luôn khiến các bà mẹ xót ruột và nhiều người đã không đủ cứng rắn để cho con tiếp tục đi học. Thực ra phụ huynh nên xác định trước điều này, vì sớm muộn gì thì chúng ta cũng phải cho con đến trường và việc con khóc trong những ngày đầu tiên là khó tránh khỏi. Ngay cả khi gia đình giữ trẻ ở nhà cho đến năm 4,5 tuổi đi chăng nữa thì khi đi học bé vẫn khóc, dù bé có là đứa trẻ hiếu động và bạo dạn.
 

Ảnh minh họa.

 
Những thời điểm bé có thể khóc:

Bé có thể khóc cả ngày liền trong những buổi đầu, nhưng có một số thời điểm mà bé hay khóc nhất:

- Khi bé được bố mẹ đưa đến trường “trao tay” cho cô giáo.

- Giờ ngủ trưa: là thời điểm bé nhớ vòng tay của mẹ nhất. Vì thế các cô sẽ rất vất vả mới có thể dỗ cho bé nín khóc và đi vào giấc ngủ.

- Giờ về: Bé rất nhạy cảm và đã có thể nhận thức được lúc nào là đến giờ về. Khi các bạn xung quanh lần lượt được bố mẹ đến đón, bé sẽ cảm thấy tủi thân và đòi mẹ.Vừa nhìn thấy người nhà từ ngoài cửa, bé sẽ khóc ngay lập tức.

Cùng giúp bé hoà nhập và cười vui

Để bé thôi khóc và hoà nhập dần với lớp học, bạn bè, nếp sinh hoạt mới… thì cả gia đình và các cô giáo đều cần phải gần gũi cùng giúp đỡ trẻ.

Lúc này sự kiên nhẫn là điều hết sức quan trọng. Thông thường, nhà trường sẽ bố trí riêng một cô giáo đặc biệt quan tâm đến bé trong những ngày đầu bỡ ngỡ. Cô sẽ luôn ở bên cạnh bé, kiên nhẫn trước tiếng khóc của bé, giúp bé làm quen với trường học không chỉ bằng kinh nghiệm nghề nghiệp mà còn bằng cả sự yêu thương.

Còn cha mẹ thì cần bình tĩnh để tạo sự tự tin, cứng cỏi cho con. Làm quen với tiếng khóc của trẻ là điều phụ huynh nên làm. Các bà mẹ không nên tỏ ra quá xót con, thậm chí là khóc trước mặt con, sẽ khiến bé cảm thấy việc đi học càng trở nên nặng nề đáng sợ. Khi đưa con đến trường, hãy luôn cười tươi và chào tạm biệt con. Còn khi đón bé cũng thế, luôn luôn cười nói tự nhiên, để cho bé dần thấy việc đi học là hết sức bình thường và vui vẻ.

Gia đình hãy cho bé làm quen với trường lớp trước khi bé đi học chính thức, bằng cách bố trí một số buổi đưa bé đến chơi với các bạn ở trường. Khi ở nhà hãy luôn nhắc đến việc đi học với những điều thú vị để bé cảm thấy thích thú. Bọn trẻ thường rất thích được biểu dương, nên bố mẹ đừng quên luôn khuyến khích khen ngợi con. Ví dụ, bạn có thể cho bé đeo thử một chiếc cặp đi học xinh xắn và hãy vỗ tay khen.

Chỉ sau một thời gian, thay vì khóc mếu không chịu đi học, thay vì bạn phải đón bé về với đôi mắt sưng mọng… thì bạn sẽ thấy bé hoàn toàn khác. Bé sẽ cười tươi khi đến trường,  đến giờ về vẫn mải chạy nhảy chơi đùa cùng các bạn không chịu về, còn khi về sẽ không ngừng líu lo kể chuyện ở lớp cho cả nhà nghe nữa đấy.
 
Theo Afamily
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]