Để trẻ vui thích khi có em

Giadinh.net - Phần lớn trẻ em đều cảm thấy ghen tỵ với đứa em mới chào đời của mình khi mà sự xuất hiện của nó chiếm quá nhiều thời gian, sự quan tâm và tình yêu thương của cha mẹ - thứ mà lúc nào chúng cũng muốn "độc quyền".

0
>
>
 
Dưới đây là một vài gợi ý để các bậc cha mẹ tham khảo giúp cho mối quan hệ của trẻ và em bé tốt đẹp ngay từ khi em bé còn trong bụng mẹ.

Chuẩn bị tâm lý cho trẻ như thế nào?

Nói với trẻ về sự chào đời của em chúng là một điều hết sức thú vị nhưng đừng cố gắng nói về điều này quá sớm. Thời điểm thích hợp nhất là khi bạn mang thai từ 7 đến 8 tháng.

Đây là lúc bạn có thể nói với trẻ rằng có một đứa bé lớn dần lên trong bụng bạn, khuyến khích chúng vuốt ve nhẹ nhàng vào bụng mẹ và động viên chúng nói chuyện với em của mình. Bạn cũng có thế dẫn trẻ đi cùng trong những lần khám thai và cho chúng nghe nhịp tim đập của em chúng, giải thích rằng những âm thanh đó muốn nói rằng: "em muốn chào đời để chơi với anh/chị lắm"....Đọc hoặc kể cho con nghe những câu chuyện thú vị về tình cảm anh em, chị em trong một gia đình hay cùng trẻ xem những tấm hình baby xinh xắn và nói với con rằng chúng sắp có đứa em xinh xắn và đáng yêu như thế. Đừng quên cho con biết em bé sẽ lớn rất nhanh để có thể cùng chúng chơi nhiều trò vui.
 

Cha mẹ nên dành một khoảng thời gian trong ngày chơi cùng trẻ để trẻ thấy rằng cha mẹ vẫn rất yêu và quan tâm đến chúng (Ảnh minh họa).

Khi em bé ra đời, cha mẹ cần cố gắng tránh những thay đổi lớn trong nếp sống hàng ngày của trẻ chẳng hạn như chuyển từ ngủ trong nôi sang ngủ ở giường hoặc bắt đầu ngủ ở phòng riêng... Những thay đổi kiểu như vậy có thể gây ra những căng thẳng đối với trẻ khiến chúng nghĩ rằng tất cả những điều trên có nguyên nhân từ đứa em mới của chúng.

Cha mẹ, ông bà hoặc có thể đề nghị cả những người thân khác dành nhiều thời gian chăm nom trẻ hơn trước khi  bạn chuẩn bị sinh để chúng luôn cảm thấy vui vẻ và an tâm. Tiếp theo đó khoảng một vài tuần trước khi sinh bạn cần giải thích thật đơn giản cho trẻ hiểu chuyện gì sẽ xảy ra khi em bé của chúng chào đời.

Nếu bạn sinh trong bệnh viện hãy nói với chúng rằng bạn và đứa em bé bỏng của chúng sẽ ở trong bệnh viện một ngày và em muốn anh/chị là người đầu tiên đến và nói câu xin chào với em. Nếu bạn sinh ở nhà, hãy nói cho chúng biết chúng sẽ ở đâu trong khi em bé được sinh ra và chúng sẽ là người đầu tiên đến và chào em của chúng. Trẻ con đặc biệt nhạy cảm, chúng có thể ghen tỵ với bất kỳ ai tranh giành tình thương yêu của cha mẹ chúng. Chính vì thế hãy đảm bảo rằng khi trẻ đến thăm hãy để một ai đó bế em bé hoặc đặt bé trên giường để bạn có thể ôm, hôn trẻ. Sau đó có thể cùng trẻ gặp gỡ và chào em của mình.

Sẽ có rất nhiều khách đến thăm bạn và đứa bé mới và cũng sẽ có rất nhiều quà được trao. Bạn có thể đề nghị với những người thân thiết có một món quà nho nhỏ tặng trẻ, cha mẹ cũng nên chuẩn bị một món quà đặc biệt để kỷ niệm ngày chúng có em. Chính từ những hành động tuy nhỏ này sẽ khiến trẻ cảm thấy ngày em chúng chào đời thật đặc biệt với chúng, khiến chúng cảm thấy hào hứng với ngày ra đời của em.

Cuối cùng, cả cha và mẹ cần dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để cùng chơi với trẻ, cũng như những cử chỉ yêu thương để cho chúng thấy rằng cha mẹ vẫn rất yêu và quan tâm đến chúng.

Lôi kéo trẻ vào những hoạt động chăm sóc em bé

Chăm sóc trẻ sơ sinh khiến bạn mất rất nhiều thời gian, bạn nên khuyến khích trẻ cùng tham gia vào công việc này để khiến chúng không cảm thấy đang bị bỏ ra rìa. Nói chuyện với chúng rằng bạn đang làm gì, và kể cho chúng nghe ngày trước khi còn bé như em chúng như thế nào và bạn đã làm gì với chúng. Bạn cũng có thể nhờ trẻ làm một số công việc nho nhỏ như tìm tã lót cho em, hát cho em nghe, cùng mẹ tắm cho em...

Bạn cũng có thể để cho trẻ ôm em khi chúng ngồi ở một vị trí an toàn như ngồi trên giường hay trên ghế sofa được bao quanh bởi gối ôm. Tuy nhiên bạn không nên cho trẻ ôm em di chuyển  khi chúng còn quá nhỏ để hiểu điều gì sẽ diễn ra nếu chúng làm ngã em. Nói cho chúng biết em bé thích thú thế nào khi nhìn anh/chị mình cười nghe anh/chị nói chuyện và thích anh/chị tạo ra những nét thú vị trên khuôn mặt...

Giải quyết với những ghen tỵ

Một vài đứa trẻ cảm thấy thích thú và mới lạ từ việc có em, khiến cho chúng lúc nào cũng muốn ôm ấp, sờ mó em bé. Nếu điều này xảy ra bạn cần nhắc nhở chúng rằng: "Em bé cần yên tĩnh để ngủ và lớn lên. Khi nào em thức dậy em sẽ chơi với con. Nếu con không để cho em ngủ em sẽ khóc suốt và em sẽ không chơi với con nữa"....

Một vài đứa trẻ lại cảm thấy mình sẽ bị giành giật tình cảm của cha mẹ, ông bà và những người thân yêu nên có những biểu hiện thờ ơ hoặc lãnh đạm với em, thậm chí tỏ ra ghét và căm thù em bé mới sinh của mình. Chúng sẵn sàng ném hoặc cấu xé em bé bất cứ khi nào. Bạn không nên nổi giận với trẻ trong những trường hợp như vậy, trẻ có tâm trạng bực bội và ghen tỵ khi có một đứa bé mới xuất hiện và lấy đi phần lớn thời gian và sự chú ý của cha mẹ chúng. Đó là biểu hiện bình thường đối với tâm lý của trẻ. Bạn nên:

·         Tránh cho trẻ tiếp xúc với em bé khi không có người canh chừng.

·         Nói với chúng rằng bạn hiểu tâm trạng và nhũng gì chúng đang nghĩ, chẳng hạn: “Em bé đã chiếm nhiều thời gian của mẹ và mẹ biết con không vui vì điều đó. Nhưng mẹ vẫn rất yêu con. Khi em thức con hãy chơi cùng với em để em ngoan. Khi em ngủ mẹ sẽ cùng con chơi trò xếp hình...”

·         Nói với chúng thật nhẹ nhàng để chúng biết: "Làm em bé bị đau là rất xấu, em bé sẽ không yêu quý anh/chị của nó nữa, bố mẹ cũng không yêu quý con nữa". "Làm em khóc là một hành động không tốt, bố sẽ cáu giận và phạt con đó"

·         Cố gắng dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để chơi cùng với bé, để cho chúng cảm nhận rằng chúng vẫn rất đặc biệt trong mắt bố mẹ.

                                                                                                Lan Tường

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]