Đi cầu ra máu coi chừng ung thư đại tràng

Gần đây anh Thim thường xuyên đau bụng, đi cầu ra máu thường xuyên.

0

Sau khi làm xét nghiệm, bác sĩ cho biết anh bị u trực tràng và polyp đại tràng góc gan, có tuyến nghịch sản vừa, nguy cơ ung thư nếu không phẫu thuật sớm.

Anh Kol Van Thim sinh năm 1962, người Campuchia, làm nghề tài xế lái xe ở Phnôm Phênh. Anh cho biết do tính chất công việc nên thường phải ngồi lâu và hạn chế "đi ngoài". Từ tháng 5, anh thường xuyên thấy đau bụng, đi cầu ra nhiều máu nhưng tưởng là những dấu hiệu bệnh trĩ.

Khi đi khám bệnh ở các trung tâm y tế địa phương cho kết quả chẩn đoán không phải trĩ. Hơn 3 tháng chịu đựng những cơ đau hành hạ kèm theo sụt cân nhanh 3-4 kg, anh quyết định sang Việt Nam khám. 

Tại BVĐK Tâm Trí Sài Gòn, sau khi thực hiện nhiều xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện khó khối u trực tràng 5 cm và polyp đại tràng góc gan với kích thước lớn 2,5 cm. Kết quả sinh thiết tế bào 2 lần đều cho thấy có tuyến nghịch sản vừa, nguy cơ ung thư nếu không loại bỏ kịp thời. Bệnh nhân được tư vấn điều trị bằng phẫu thuật, đồng thời chuẩn bị tâm lý có khả năng phần đại tràng còn lại không đủ để nối hậu môn sẽ gây khó khăn trong sinh hoạt sau này.

Anh Kol Van Thim đang điều trị tại BVĐK Tâm Trí Sài Gòn. Ảnh: TH.

Do thời gian ủ bệnh lâu, khối u trực tràng phát triển lớn, êkip bác sĩ sau khi hội chẩn đã quyết định phương án mổ hở để cắt u và đoạn đại tràng bị polyp, tái tạo hậu môn cho bệnh nhân. Trong thời gian lưu viện điều trị hậu phẫu, ban đầu bệnh nhân được truyền dịch để nuôi cơ thể rồi sau đó cho ăn cháo loãng. Đến nay anh có thể ngồi dậy, đi lại và ăn súp.

Trao đổi với VnExpress.net, BS Cao Hùng Phú, Giám đốc bệnh viện, cho biết, sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt. Hiện tại chất thải tiêu hóa được dẫn ra ngoài cơ thể anh bằng hậu môn nhân tạo và chuẩn bị xuất viện. Dự kiến 8 tuần sau, bệnh nhân sẽ quay lại bệnh viện để thực hiện thủ thuật tháo hậu môn nhân tạo và có thể đi ngoài theo cách thông thường.

Theo bác sĩ, polyp đại tràng (hay u tuyến) là một biểu hiện bất thường của tế bào ở đại tràng, còn gọi là ruột già. Polyp thường lành tính, song một số trường hợp có thể phát triển thành ung thư.

Việc xác định polyp có nguy cơ ung thư hay không cần trải qua các xét nghiệm sinh thiết lấy mẫu tế bào từ polyp, đồng thời tìm và đánh giá mức độ hoạt động của tế bào ung thư nếu có.

Một số trường hợp cần phải lấy nhiều mẫu bệnh phẩm tại polyp và các vị trí xung quanh, do đó các kết quả sinh thiết ở các vị trí, thời điểm khác nhau có thể cho kết quả khác nhau tùy thuộc vào mức độ hoạt động của tế bào ung thư tại thời điểm lấy mẫu. Đặc biệt, giai đoạn nghịch sản như trường hợp anh Tim là một loại dấu hiệu của tiền ung thư.

Qua đây, BS Phú khuyên mọi người nên cảnh giác bệnh này khi thấy các triệu chứng: đi cầu ra máu thường xuyên, phân đen, rối loạn tiêu hóa kéo dài. Không nên chủ quan nghĩ rằng đó là dấu hiệu của trĩ, dù từng bị trĩ trước đó. 

"Khi đó, mọi người nên đến bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm tầm soát và điều trị bệnh kịp thời", bác sĩ nói. "Bệnh nhân không nên quá lo sợ và suy nghĩ tiêu cực. Những người có polyp có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng cao hơn. Nhưng nếu cắt bỏ polyp khi còn nhỏ vẫn có thể ngăn ngừa nguy cơ chuyển sang ung thư".

Theo bác sĩ, polyp đại tràng thường gặp ở độ tuổi trung niên, nhưng người trẻ cần chú ý phòng bệnh bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như:

- Không nên ngồi lâu quá 2 tiếng đồng hồ mà nên đứng dậy đi lại 5 - 10 phút giãn cách rồi mới ngồi tiếp.

- Thường xuyên vận động đều đặn hoặc chơi một môn thể thao yêu thích.

- Chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ. Nghiên cứu cho thấy ăn nhiều chất xơ, đặc biệt từ ngũ cốc, hạt nguyên cám và rau xanh giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về đại trực tràng.

- Hạn chế ăn chất béo, uống rượu, bia, hút thuốc…

Theo Thi Ngoan - VnExpress

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]