Đi chữa “bệnh” bạo hành

Những người phụ nữ tìm tới hoặc được bệnh viện chuyển tới đây chẳng có ai là lành lặn cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cô thì mặt mũi bầm dập đầy bông băng, cô thì khập khà khập khiễng, lại có người toàn thân tím bầm như củ khoai lang...

15.6042
Trung tâm Tư vân Chăm sóc sức khỏe phụ nữ huyện Gia Lâm ra đời dành cho những phụ nữ đang phải chịu đựng bạo hành gia đình trong xã hội hiện nay. Nơi đây chính là nguồn động viên, khích lệ lớn lao về tinh thần chăm sóc sức khỏe tin cậy của đông đảo chị em. Ngồi trước mặt tôi là chị Nguyễn Thị H., 42 tuổi, ở Từ Sơn (Bắc Ninh). Cái thân hình khẳng khiu lúc nào cũng chực đổ xuống giường, cặp mắt đỏ hoe có hai quầng tím ngắt bên dưới. “Giá cứ nghèo như hồi mới cưới lại hóa hay anh ạ”. Tất cả chỉ vì từ khi đời sống gia đình được cải thiện bằng việc mở quán karaoke. Ngỡ tưởng sung sướng từ đây, nào ngờ... Anh chồng đưa về 3 cô tiếp viên "mặc váy ngắn” nuôi ăn uống ngay trong nhà để tiếp khách. Được đằng chân lân đằng đầu, anh ta lúc thì "chở cô cháu nó đi may cái quần, khi thì "chở cháu nó ra bến xe về thăm nhà”. Mà chở đi đâu thì chị biết tỏng, đức ông chồng "siêng năng" cấm bao giờ cho vợ ngồi sau yên xe mà nói vậy thì rõ là chỉ “nói tế nhị”, không lẽ lại tốt đột xuất. Và quả nhiên chị bắt quả tang chú, cháu chở nhau vào thăm... nhà nghỉ. Phải giữ thể diện với gia đình, bè bạn, chị đành ngậm đắng nuốt cay cho qua vụ này. Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng đừng. Được hai năm thì quán karaoke phải đóng cửa vì ế khách. K. – tên của chồng chị - lúc này rảnh tay chân bắt đầu xoay sang kết bạn với cờ bạc, rượu chè. Sớm ngày say xỉn, hôm nào được bạc thì đi luôn cả đêm. Thua bạc thì ông ta chân nam đá chân chiêu về nhà và “hành xác" vợ. “Khủng khiếp lắm. Nói anh thông cảm, nhiều lúc tôi chỉ mong ông ấy đi “chơi ở ngoài" cho mình được nhẹ". Chị H. cố kìm giọng để không bật nước mắt ra. Từ ngày đi lại với tụi tiếp viên, ông chồng như bị biến thái. Lần cuối cùng, tức là trước khi khiến chị H. phải vào viện, K. bật băng sex rồi bắt vợ phải... thoát y vũ. Quá uất ức chị phản kháng và bị đánh. Giờ chị không mong khỏi đau mà chỉ cầu trời sao cho không phải nhìn lại mặt cái gã chồng "quái thú” kia nữa. Mới hay bạo hành gia đình đâu có phải do thiếu thốn vật chất như nhiều người vẫn nghĩ. Nguyên nhân của tình trạng này thật nhiều vô cùng tận. Có chồng cục cằn, thô lỗ những tưởng cũng là một mối họa tiềm tàng. Chồng chị V.T.H, 25 tuổi, ở Ngọc Thụy (Gia Lâm) là người có tiếng ngạo mạn không bao giờ nghe ai. Lại mắc cái "bệnh" mà nhiều thanh niên hiện nay mắc: Cứ cái tài gì hay thứ gì mà mình chưa có thì luôn nói “giỏi” về thứ đó để tỏ vẻ hiểu biết. Cho nên anh hay bị bạn bè khích bác, chọc quê. Một hôm, anh đem chuyện bực bội này kể lại cho vợ. Chị H. nghe thủng rồi phân tích phải trái, khuyên nhủ chồng. Tưởng nhẹ nhàng thì chồng sẽ thay đổi, ai ngờ anh chồng nhảy lên như bị điện giật, đánh vợ đến rách trán, tụ máu mắt vì "mới tí tuổi đầu đã dám dạy khôn chồng". Bây giờ tôi mới có dịp bắt chuyện với cô gái ngồi trong góc phòng. Đó là Đ.B.N, 29 tuổi, ở tận Thái Nguyên lấy chồng bên Gia Lâm. Đôi mắt rơm rớm nước cúi gằm vào cái chân đang bó bột. Có lẽ cô vẫn chưa kịp hoàn hồn khi người chồng đầu gối tay ấp hơn hai năm trời, mà lại lập lức hóa ra "con quỷ” khiến vợ phải khiếp sợ. Cô làm y tá trong một bệnh viện, công việc đòi hỏi phải có những đêm trực, nhưng anh chồng cứ nhất quyết ngăn cản. N. cho rằng vô lý không nghe thì anh một mực đòi đi... trực cùng. Như "thường lệ", đêm cuối tháng 9 vừa rồi, hai vợ chồng cùng đi trực. Nhà vắng người, bọn trộm rình rập đến bê sạch sành sanh đồ đạc trong nhà. Sẵn bực tức "dạy vợ” không xong, lại thêm nỗi tiếc của, anh chồng dùng ghế nhằm vào chân vợ cứ như thể bắt được quả tang tên trộm. Thế là tiền mất, tình tan chóng vánh chỉ trong có một đêm. N. được em gái chở vào Bệnh viện Đức Giang và được giới thiệu sang trung tâm này. Cô gái có người hỏi tới thì nước mắt bỗng chốc càng giàn giụa hơn: “Anh cứ thử tưởng tượng xem, một người mà hôm trước còn hết mực yêu thương mình. Hôm sau đã cầm ghế phang gãy chân mình, thì cái cảm giác sụp đổ của em nó như thế nào?”.

Câu hỏi của cô làm tôi phải ngẫm nghĩ mà ái ngại chẳng dám hỏi thêm. Cuộc sống không có gì không thể xảy ra, nhưng những tổn thương về tình cảm vẫn luôn hành hạ con người ta trong sự bàng hoàng đến day dứt như vậy.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]