TS. tâm lý Huỳnh Văn Sơn: “Nổi tiếng bằng chiêu trường tâm lý”

Trong những năm gần đây, việc một số bạn trẻ và kể cả những cá nhân có tuổi vẫn còn “trẻ người” nổi tiếng bằng cách tạo ra những sự quan tâm là lựa chọn khá hấp dẫn. Không quá khó khi các bạn có những chiêu thức riêng cho chính mình bằng cách tạo ra “trường tâm lý” của sự quan tâm. Trường tâm lý của sự quan tâm là thuật ngữ mang tính xã hội được nghiên cứu như một diễn tiến của các vấn đề trở thành sự quan sát, theo dõi của một nhóm người. Song song đó, những diễn tiến tâm lý cộng hưởng và tấn công xét trên bình diện cảm xúc được một số “chuyên gia” PR cá nhân khai thác triệt để và miếng mồi trở nên hấp dẫn. Truyền thông vào cuộc, nhóm đông tung hô bằng hai chiều như đồng tình hay phản ứng đều là những tác nhân kích thích đạt được.

Không quá khó để nhận ra muốn người ta quan tâm chỉ cần làm cái gì đó cho nó đến “đốt cuối” của cảm xúc. Một cách hát và sự thể hiện khủng khiếp như xoáy vào tai. Người thì chặt chém, kẻ thì tỏ ra nghĩa hiệp quan tâm, người thì thông cảm, người thì bảo cũng vui mà. Những cung bậc của cảm xúc và sự theo dõi ấy được lan tỏa. Miễn sao được nhận diện, được quan tâm, được chú ý là thắng cuộc. Hoặc cứ chửi thì càng vui, cứ chửi thì càng thắng. Ta thì cứ vô tư phát biểu. Phát biểu mà chẳng cần suy nghĩ hai nghĩa của câu, phát biểu chẳng cần biết ngày mai ra sao, phát biểu chẳng cần quan tâm đến tình ruột thịt. Càng chửi - càng mắng nghĩa là càng hiệu ứng. Những cách thức ấy càng làm cho trường tâm lý quay vòng hay xoay chiều nào cũng trở thành điểm đến khi chiêu thức đã được đón nhận.

Có thể nói sự nhanh nhạy đến mức hơn cả “chiêu thức chưởng” đã làm cho “chuỗi thông tin” không thể dừng lại. Song song với cách cố tình lộ ra ảnh mát hay ảnh dường như bị chụp lén cảnh tình tứ là chuyện tắt điện thoại không nhận bất cứ cuộc gọi nào của truyền thông. Hàng chục báo theo dõi, hàng vài chục phóng viên săn đuổi, hàng nhóm người bình luận, chia sẻ, tiên đoán - phán đoán và loạn thông tin… Chủ nhân thì cứ để mọi thông tin xoay như chong chóng. Sắp lặng xuống sự ồn ào thì lại xuất hiện rực rỡ và xin phép không trả lời hoặc sẽ giải thích sau. Đúng điểm rơi 3 ngày thì chiêu thức: Xin lỗi hoặc giải thích tường minh vấn đề làm cho chủ nhân lại một lần nữa nổi lềnh bềnh… Hiệu ứng “xoay chiều” tâm lý quan tâm được khai thác theo đường xoáy trôn ốc một cách rất độc chiêu.

Nội lực của một con người nói chung và người nổi tiếng nói riêng phải được tạo dựng bởi văn hóa nền tảng và những yếu tố thuộc về khả năng đích thực. Nhưng cần phải có lòng tự trọng và khả năng tự đánh giá bản thân. Song song đó là cách ứng xử có đầu - cuối, trước - sau và hành lang quan trọng của giá trị đạo đức - nhân văn…

Viện sĩ - GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: “Người nổi tiếng nhưng lại thiếu văn hóa”

Nổi tiếng ở ta có nhiều cách. Những trường hợp vừa qua đều là người của giới showbiz. Không ít những người trong số đó đi lên không phải từ phấn đấu, từ học thức, mà từ “của trời cho”, nhờ giọng hát và vẻ đẹp hình thức. Cũng có trường hợp không phải nhờ giọng hát, hay hình thức, mà do ông bầu có chiêu thức lăng xê nhanh chóng. Chính vì thế, về thực chất, trình độ văn hóa của đại đa số còn thấp. Thử nhìn xem có người có học nào lại hành xử như vậy không?

Cũng có trường hợp ông nghị này, ông nghị kia lên mạng chửi mắng người khác, đó cũng vì họ không đủ phông văn hóa thôi.

Không phải người nổi tiếng nào cũng có văn hóa. Người ta phải học hành, phấn đấu, suy nghĩ, lao động vất vả để có được điều đó, nên họ coi trọng cái giá của nó, coi trọng ứng xử với những người xung quanh.

Ở phương Tây cũng có những người trời cho giọng hát, ngoại hình đẹp, cũng là giới showbiz, nhưng họ càng gắng rèn giũa cho tài năng của mình tỏa sáng hơn, nhờ học hành chí thú. Trong khi đó ở ta, do sự chuyển sang cơ chế thị trường, sang văn hóa đại chúng quá dễ dãi, nên ngay cả người nổi tiếng cũng chưa chắc đã là nhờ giọng hát, hay vẻ đẹp, mà do ông bầu nhào nặn ra.

Còn nói về vai trò truyền thông, sản phẩm báo chí nào cũng phải có văn hóa. Ở đây, số lượng báo chí quá nhiều, nên đặc biệt các báo lá cải phải khai thác, săn tìm thông tin theo kiểu trên. Đối tượng tạo tin, người đưa tin phù hợp với nhau thì cho ra những bài báo săm soi đời tư như vậy.

Về cư dân mạng, người Việt đi đâu cũng không tránh khỏi tâm lý đám đông. Có nghĩa là, tính cộng đồng, chạy theo số đông đa phần lấn át, hơn là biết tỉnh táo suy xét, có bản lĩnh để không a dua theo những người đi đầu. Thường khi có người nêu ra một ý nào đó, nếu thích ủng hộ thì cùng lao vào tung hô, còn nếu những người đầu tiên đưa ra phán xét theo hướng phê phán thì cùng hùa “ném đá” thậm tệ một cách rất cảm tính.

Cũng khó có giải pháp cho vấn đề này, vì những ứng xử không dễ dàng được thể chế hóa bằng hình phạt hay khung phạt cụ thể. Chỉ khi nào có sự gia tăng về nhận thức của xã hội, thì mới có thể có lớp công chúng thôi ái mộ người nổi tiếng thiếu văn hóa và báo chí năng lực kém không có đất phát triển.

Khi chưa có giải pháp gì thì chỉ có cách “sống chung” với sự vô văn hóa đó mà thôi. Thực sự, muốn làm người nổi tiếng thì cũng phải qua một quá trình rèn giũa, chứ không phải qua tay “nhào nặn” của ông bầu, cũng không phải qua sự tung hô của báo lá cải…