“Di sản - Nền tảng của nghệ thuật đương đại”

Hoạt động tại Việt Nam (VN) từ 2005 với tư cách tùy viên văn hóa Đại sứ quán Pháp, Giám đốc điều hành Trung tâm văn hóa Pháp, ông Hubert Olié đã tạo cho hợp tác văn hóa Pháp - Việt một diện mạo mới

15.6009

Hoạt động tại Việt Nam (VN) từ 2005 với tư cách tùy viên văn hóa Đại sứ quán Pháp, Giám đốc điều hành Trung tâm văn hóa Pháp, ông Hubert Olié đã tạo cho hợp tác văn hóa Pháp - Việt một diện mạo mới và đóng vai trò tích cực trong quy hoạch chính sách hợp tác quy mô quốc gia. Viện Khoa học xã hội (KHXH) VN vừa trao tặng ông Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp KHXH". Sau lễ trao tại Bảo tàng Dân tộc học VN, ông đã trò chuyện với SK&ĐS.

Nhận kỷ niệm chương của Viện KHXH VN, ông có tâm sự gì?

Tôi nghĩ đến tất cả những người đã ủng hộ, giúp đỡ tôi trong công tác ở VN. Pháp và VN có sự gắn bó lâu bền trong mối quan tâm đến các di sản của mình và hai nước đều mong muốn được đối thoại với các nền văn hóa khác. Chỉ vài ngày nữa tôi sẽ trở về Pháp, tôi hy vọng những phối hợp sẽ được đẩy mạnh hơn nữa vì sự phát triển và thành công của chính sách đa dạng văn hóa.

Ông đánh giá thế nào về hiệu quả mối hợp tác này trong thời gian qua?

Trong 4 năm qua, chúng ta đã ngày càng nhận ra sự đa dạng văn hóa và hiệu quả hợp tác giữa hai nước. Các hoạt động là minh chứng cụ thể cho giá trị của di sản văn hóa VN và sự cộng tác tuyệt vời này.

 Ông Hubert Olié nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp KHXH.
Đặc biệt điều này được thể hiện rất rõ qua sự phát triển của Bảo tàng Dân tộc học VN. Có thể nhắc đến các trưng bày như Chúng tôi ăn rừng - Georges Condominas ở Sar Luk, Những bức chân dung Mê Kông, Sinh nở: Hành vi, hiện vật và nghi lễ... Tôi nhớ những ngày đầu thành lập bảo tàng, hai nước đã đóng góp nhiều công sức để phục vụ đông đảo công chúng.

Ông vừa đóng góp cho lĩnh vực bảo tồn bảo tàng vừa phụ trách một trung tâm văn hóa cổ vũ nhiệt tình cho nghệ thuật đương đại. Hai điều này liệu có mâu thuẫn?

Hai cái đó không đối chọi nhau mà gắn bó rất sâu sắc. Ví dụ như âm nhạc điện tử ngày nay lấy cảm hứng rất nhiều từ âm nhạc dân tộc. Hoặc các nghệ sĩ tạo hình đương đại cũng khai thác các chất liệu dân tộc như vải vóc ngày xưa chẳng hạn. Nghệ thuật đương đại, hiện đại dựa rất nhiều trên quá khứ, trên những gì gọi là di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Minh chứng cho điều này là sự phát triển của Bảo tàng Louvre - Pháp, một bảo tàng nổi tiếng trên toàn thế giới. Tôi rất mong Bảo tàng Dân tộc học VN cũng được ưu ái và được tham quan nhiều như thế.

Thời gian tới, khi không trực tiếp công tác tại VN, mối quan tâm của ông với văn hóa và nghệ thuật đương đại VN sẽ như thế nào?

Sự quan tâm của tôi với văn hóa VN bắt đầu từ trước khi tôi đến VN và nó đã được phát huy suốt 4 năm vừa qua. Bây giờ khi sắp rời VN, tôi muốn nói rằng tôi sẽ quay trở lại và trong khi chờ đợi sự trở lại đó, tôi sẽ làm tất cả để phát huy văn hóa VN.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Thi (thực hiện)

Hằng năm, ông Hubert Olié điều hành và tổ chức trên dưới 100 sự kiện. Ông là Trưởng dự án Quỹ Đoàn kết Ưu tiên (FSP) "Phát huy di sản bảo tàng Việt Nam", với mục đích xây dựng và đổi mới 5 bảo tàng tiên phong tại Việt Nam.

Dự án FSP giúp đỡ tạo lập một kho lưu trữ ảnh hiện đại tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, nhiều phòng trưng bày kiểu mẫu tại Bảo tàng Điêu khắc Chămpa (Đà Nẵng) và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh). Bảo tàng Đăk Lăk và tòa nhà trưng bày về văn hóa Đông Nam Á (Bảo tàng DTHVN) được dự án FSP tư vấn đang từng bước hoàn thiện.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]