Dị ứng thực phẩm: Bệnh thường gặp ở trẻ em

Dị ứng thực phẩm là một phản ứng của hệ miễn dịch khi cơ thể ăn vào và phát hiện ra một chất lạ, chất lạ này kích thích hệ miễn dịch sinh ra một số chất phản ứng chống lại, quá trình phản ứng này có thể gây ra các triệu chứng khó chịu hay nguy hiểm cho cơ thể.

15.5911

Đọc E-paper



Kể từ lúc ra đời, bé bắt đầu tiếp xúc với sữa mẹ, sữa bò, rồi đến 6 tháng tuổi thì ăn dặm với rất nhiều loại thực phẩm khác nhau.

Có nhiều điều các bà mẹ phải lo đến, như chọn thực phẩm nào tốt, tuổi này ăn thực phẩm đó được chưa, rồi chế biến kiểu nào cho bé dễ nuốt... Thêm một điều quan trọng cần lưu ý là vấn đề không dung nạp hay dị ứng với thực phẩm.

Dị ứng thực phẩm là gì?

Dị ứng thực phẩm được hiểu nôm na là cơ thể trẻ không tiêu hóa, hấp thu những loại thực phẩm đó (không dung nạp), hoặc dung nạp được một phần và gây ra một số phản ứng trong cơ thể.

Trong y khoa, dị ứng thực phẩm là một phản ứng của hệ miễn dịch khi cơ thể ăn vào và phát hiện ra một chất lạ, chất lạ này kích thích hệ miễn dịch sinh ra một số chất phản ứng chống lại, quá trình phản ứng này có thể gây ra các triệu chứng khó chịu hay nguy hiểm cho cơ thể.

Trong số trẻ bị dị ứng thực phẩm thì tỷ lệ trẻ dưới 6 tuổi chiếm đến 50%. Hầu hết các trẻ khi lên 3 tuổi sẽ ít bị dị ứng do hệ tiêu hóa đã phát triển vững vàng hơn.

Dị ứng thực phẩm có chiều hướng phát triển theo hướng thừa hưởng từ cha mẹ. Theo một nghiên cứu tại Mỹ, nếu bố hay mẹ bị viêm mũi dị ứng, hen suyễn dạng dị ứng thời tiết thì nguy cơ con bị mắc bệnh là 20 - 30%.

Nếu cả bố và mẹ đều bị bệnh này thì nguy cơ ấy là 50 - 60% đối với trẻ. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp không có nguồn gốc từ di truyền.

Những thực phẩm dễ gây dị ứng

Các thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao hầu hết là những thực phẩm giàu đạm. Trong đó, 90% thực phẩm gây dị ứng là lòng trắng trứng, đạm sữa, đậu phộng, thịt bò, một số loại hải sản.

Sữa. Sữa và thực phẩm chế biến từ sữa như bánh flan, sữa chua, kem... có thể gây dị ứng cho trẻ nhỏ.

Đậu phộng. Có không ít trẻ bị dị ứng với đậu phộng. Những trẻ này thường có cảm giác rất nhạy với thức ăn có chứa đậu phộng, dù chỉ với hàm lượng rất ít, nhất là những trẻ mắc chứng hen suyễn.

Lòng trắng trứng sống hoặc chưa chín hẳn. Cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng dị ứng ở trẻ. Thống kê hằng năm có khoảng 2,5% trẻ bị dị ứng do ăn trứng.

Cá, tôm, cua, sò... Được liệt kê trong nhóm thực phẩm gây dị ứng cho trẻ em và người lớn. Khi bị dị ứng từ các loại thực phẩm này, cơ thể sẽ phản ứng tái phát, kéo dài và có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.

Đậu nành. Có khoảng 0,3% trẻ bị dị ứng thực phẩm từ đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành như bột, sữa, đậu hũ, món ăn chế biến với dầu đậu nành. Tuy nhiên, phần lớn trẻ bị dị ứng do đậu nành không phải chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý

Biểu hiện của dị ứng thực phẩm khác nhau cả trên cùng một cơ thể, tùy thuộc vào mức độ, thời gian và số lượng thực phẩm mà trẻ ăn vào.

Các triệu chứng dị ứng sẽ xuất hiện sau 24 - 48 giờ sau khi ăn. Biểu hiện đầu tiên giúp nhận biết trẻ bị dị ứng là nổi mề đay: da bị mẩn đỏ gồ lên ở bất cứ vùng nào trong cơ thể và rất ngứa, sưng quanh miệng... Trường hợp nặng có thể nổi bóng nước hoặc tróc lở da ở mũi, miệng, hậu môn, cửa mình... Bé cũng có thể có những biểu hiện hắt hơi, nhảy mũi, khó thở do khởi phát cơn hen suyễn hoặc buồn nôn, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, tiêu phân máu...

Các dấu hiệu dị ứng này sẽ ngày càng tăng nếu cơ thể lại tiếp xúc với dị nguyên (chất lạ) đó trong những lần sau.

Nếu ở thể nặng, những dấu hiệu này sẽ xuất hiện rất sớm ngay trong khi ăn. Trẻ có hiện tượng khó thở, tụt huyết áp, dấu hiệu tim như muốn ngừng đập. Đây được xem là phản ứng nặng nhất - sốc phản vệ, cần đưa trẻ đi cấp cứu gấp tại cơ sở y tế vì có thể dẫn đến tử vong.

Nếu thấy trẻ bị dị ứng khi dùng một thực phẩm nào đó thì cách xử lý tốt nhất là ngưng sử dụng ngay thực phẩm đó. Nếu cơ thể phản ứng mạnh thì có thể đến bác sĩ để dùng thuốc giảm ngứa bôi da hoặc uống (Antihistamin) và giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể (Corticoid). Có thể yêu cầu bác sĩ tư vấn cho một số thuốc phòng khi bé bị dị ứng thức ăn mà chưa biết chính xác do loại thức ăn nào.

Phòng ngừa dị ứng thực phẩm ở trẻ

· Cố gắng cho trẻ bú sữa mẹ và hoãn thời gian cho bú sữa bò nếu có thể. Không nên cho trẻ uống bất kỳ loại dung dịch hay thức ăn gì khác sữa trong 6 tháng đầu tiên.

· Nếu trẻ bị dị ứng sữa bò (thường là dị ứng đạm sữa bò) thì nên đổi bằng sữa đậu nành công nghiệp.

· Mẹ đang cho con bú thì nên tránh ăn những thức ăn dị ứng với cơ thể người mẹ.

· Khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm, nên có từ 3 - 5 ngày để tập ăn những thức ăn mới, xem trẻ bị dị ứng loại thực phẩm nào để tránh. Bắt đầu nên cho ăn những thức ăn ít có nguy cơ bị dị ứng như dầu, rau, thịt heo, cá sông... Nên quan tâm những loại thực phẩm dễ gây dị ứng.

· Không cho trẻ dưới 1 tuổi uống sữa tươi (nếu có thể), cũng như không nên ăn lòng trắng trứng sống.

· Thông báo cho ông bà, người thân hay nhà trẻ những thức ăn đang gây dị ứng với trẻ.

· Với những trẻ có triệu chứng dị ứng nặng thì nên đưa đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị sớm.

 

BS. ĐÀO THỊ YẾN THỦY - Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]