Dịch bệnh từ "cầu tõm"

Nhiều mầm bệnh có thể phát tán từ nguồn phân thải từ cầu tõm, tạo nên các loại dịch bệnh, đặc biệt dịch bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa.

15.6069

Đây là loại hình nhà vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường vì mang nhiều mầm bệnh có thể phát tán từ nguồn phân thải, tạo nên các loại dịch bệnh, đặc biệt dịch bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa.

Vẫn còn nhiều “cầu tõm”

Loại này còn có ở một số địa phương, thậm chí tại thành phố lớn như: TP.HCM, Hà Nội...

Các nhà khoa học đã ghi nhận các ổ dịch tiêu chảy cấp xảy ra trong thời gian vừa qua tại xã Vĩnh Lộc A và Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM được hình thành có nguyên nhân từ những chiếc “cầu tõm” của người dân với tập quán sử dụng cầu tiêu ao cá không hợp vệ sinh; kèm theo đó là việc chăn nuôi lợn rồi dội nước phân lợn xuống các ao cá; nước lẫn phân chảy ra khu vực sinh hoạt gây mùi hôi thối, mất vệ sinh và có thể mang nhiều mầm bệnh gây nên bệnh tiêu chảy cấp nhất là khi có mưa lớn gây ngập ao hồ phát tán mầm bệnh có trong phân người và phân lợn.

Ngay cả ven Hồ Tây trong làng Yên Phụ, giữa lòng thủ đô Hà Nội, vẫn ghi nhận sự xuất hiện của những chiếc “cầu tõm”, dưới hình thức của những túp lều che chắn bằng vật liệu thô sơ.

Dịch bệnh tiêu chảy hình thành

Nhà vệ sinh “cầu tõm” cũng như các loại hình phóng uế bừa bãi khác ra môi trường sống sẽ tạo điều kiện phát tán nhiều mầm bệnh từ nguồn phân phải để gây nên dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh đường tiêu hóa; trong đó thường gặp là rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy. Mỗi khi có mưa lớn, lũ lụt thì mầm bệnh sẽ phát tán rộng hơn, xa hơn với ẩn họa khó lường; dịch bệnh bùng phát với nhiều trường hợp bị tiêu chảy cấp. Từ đây, các nguồn thực phẩm, nước uống và sinh hoạt... bị ô nhiễm nặng, phát triển và tạo ra dịch bệnh khó khống chế. Dịch bệnh tiêu chảy và tiêu chảy cấp có thể bắt nguồn từ nhiều loại mầm bệnh khác nhau như vi khuẩn, ký sinh trùng, virút, nấm.

 

Vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy bao gồm các loại Escherichia coli, Bacillus cereus, Clostridium, Staphylococcus aureus, Shigella, Vibrio cholera, Salmonella typhi, Salmonella enteritidis, Campylobacter jejuni, Acromonas... Trong đó, cần quan tâm nhất là các loại vi khuẩn có thể gây tiêu chảy cấp như: Vibrio cholera gây bệnh tả, Shigella gây bệnh lỵ trực khuẩn, Escherichia coli gây tiêu chảy...

Ký sinh trùng gây bệnh tiêu chảy gồm các loại Entamoeba hystolytica, Giardia lamblia, Balantidium coli... Trong đó cần quan tâm nhất là loại ký sinh trùng Entamoeba hystolytica gây bệnh lỵ a míp.

Virút gây bệnh tiêu chảy gồm các loại Rotavirus, Enterovirus, Adenovirus, Astrovirus, Coronavirus, Hepatitis A virus...

Nấm gây bệnh tiêu chảy: Candida albicans...

Trong các bệnh tiêu chảy hình thành do ô nhiễm nguồn nước mang mầm bệnh, cần chú ý đến trường hợp bệnh tả gây tiêu chảy cấp. Đây là một bệnh lây truyền gây dịch do nhiễm vi khuẩn Vibrio cholera loại 0:1 biotype Eltor ngoại độc tố (cholera toxin). Chất độc tố này gồm 2 phần A và B tác động tới các tế bào biểu mô niêm mạc tiểu tràng dẫn đến tăng tiết ra nước và chất chlorid, đồng thời giảm sự hấp thụ nước, chlorid, natri ở niêm mạc ruột non; do đó số lượng nước trong phân do tiêu chảy có thể chiếm tới hơn 1 lít mỗi giờ. Triệu chứng nặng xảy ra vì cơ thể mất nước và chất điện giải nhiều. Sau từ 1 - 2 ngày ủ bệnh, bệnh nhân thấy đau bụng, tiêu chảy phân lỏng với lượng lớn, lặp lại nhiều lần, bị nôn, đau cơ, mệt mỏi, hõm mắt, da và niêm mạc khô, mạch nhanh, huyết áp giảm thấp, thở nhanh, giọng nói yếu nếu không được xử trí cứu chữa kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

Trong cuộc sống hiện nay, nhất là trong thời điểm đang tiến hành cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng nông thôn mới; các cấp chính quyền, ngành y tế và các ban ngành có liên quan cần truyền thông giáo dục sức khỏe để người dân ở cơ sở phải loại trừ nhà vệ sinh “cầu tõm” ra khỏi cộng đồng; đồng thời với việc vận động người dân không nên phóng uế bừa bãi, đại tiện tùy tiện ở ruộng đồng, nương rẫy... để góp phần ngăn ngừa dịch bệnh có thể xảy ra từ nguồn phân thải mang nhiều mầm bệnh. Xây dựng các loại hố xí hợp vệ sinh để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày để phòng ngừa dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh tiêu chảy cấp là biện pháp mà cộng đồng người dân cần có ý thức thực hiện.

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]