Dịch heo tai xanh có nguy cơ bùng phát

(TT&VH) - “Trước khi 2 tỉnh Tiền Giang, Long An công bố dịch heo tai xanh, Chi cục Thú y TP.HCM đã có công văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc chủ động đối phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch bệnh heo tai xanh từ các hộ chăn nuôi tạm cư trên địa bàn thành phố là rất cao” - Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết.

15.5817

Đến nay đã có 4 tỉnh ở miền Nam có heo bị bệnh dịch tai xanh là: Tiền Giang, Long An, Tây Ninh và Sóc Trăng. Hiện mới có 2 tỉnh là Tiền Giang và Long An công bố dịch, trong đó, UBND tỉnh Long An đã công bố dịch tai xanh tại huyện Châu Thành vào ngày 22/9 và đến ngày 27/9, UBND tỉnh Tiền Giang cũng công bố dịch tại 2 xã Tân Bình Thạnh và Trung Hòa, huyện Chợ Gạo. Theo báo cáo gần nhất của các cơ quan thú y, tính đến ngày 29/9, đã có hơn 8.100 con heo mắc bệnh và đã tiêu hủy hơn 14.600kg thịt heo nhiễm bệnh.

Tiềm ẩn nguy cơ cao

Cơ quan liên ngành phát hiện vụ tẩu tán
heo bệnh của lò mổ tại TP.HCM

Chúng tôi có mặt tại Trạm kiểm dịch động vật An Lạc, huyện Bình Chánh, đây là cửa ngõ đưa gia súc, gia cầm từ các tỉnh miền Tây Nam bộ như: Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng... vào TP.HCM.

Bà Châu Thị Kiều, nhân viên Trạm kiểm dịch cho biết: “Mỗi ngày có khoảng 200 xe chở gia súc, gia cầm vào TP, chúng tôi đã tăng cường kiểm soát rất chặt xe chở gia cầm. Cho đến nay chưa phát hiện trường hợp heo nhiễm dịch tai xanh nào từ khi bùng phát dịch tại một số tỉnh miền Tây được chuyển vào thành phố”.

Tuy nhiên, bà Kiều cũng thừa nhận, việc kiểm soát các đối tượng vận chuyển heo bệnh vào TP là khó khăn, mặc dù có lực lượng kiểm tra liên ngành từ cấp TP đến quận, huyện thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhưng vẫn không đảm bảo có thể ngăn chặn tuyệt đối vì có hàng trăm tuyến đường lớn, nhỏ và TP.

Ngoài ra, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP cho biết: “Nguy cơ bùng phát dịch cao nhất lại là ở khu vực có dịch cũ, khu vực chăn nuôi heo của người dân tạm cư”. Theo ông Thảo, thì những người dân nuôi heo với điều kiện chuồng trại tạm bợ, vệ sinh kém, không sử dụng thức ăn tiêu chuẩn mà đi gom thức ăn thừa và đặc biệt họ không quan tâm đến tiêm phòng đầy đủ cho đàn heo.

“Theo thống kê, TP.HCM có 567 hộ tạm cư nuôi heo với hơn 47.200 con. Tập trung tại các quận huyện như: Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12... Điều lo ngại, những ngày qua triều cường lên cao gây ngập úng tạo “ao tù, nước đọng” tại nhà dân “chăn nuôi heo tạm cư” ở các quận, huyện trên nên cũng là nguy cơ dễ sinh dịch bệnh cho đàn heo” - ông Thảo nói.

Quyết liệt ngăn ngừa

Sở NN&PTNT TP.HCM đã có công văn gửi tới các UBND quận, huyện, Chi cục Thú y, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT), các cơ sở chăn nuôi tập trung yêu cầu phải thực hiện ngay các biện pháp đối phó với dịch bệnh heo tai xanh.

Ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: UBND quận, huyện phải tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt là qua sóng phát thanh tại khu dân cư về diễn biến tình hình dịch, tác hại, kiểm tra việc tuân thủ các qui định về tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại và đặc biệt là công tác giám sát các hoạt động chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh. Xử lý triệt để tình trạng vận chuyển, bán gia súc bệnh không khai báo, giết mổ trái phép, các quán ăn, bếp ăn tập thể tiêu thụ sản phẩm gia súc không rõ nguồn gốc trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Chi cục QLTT tăng tần suất kiểm soát địa bàn trên đường bộ, đường thủy và lưu ý các khu vực giáp ranh với các tỉnh, nhất là các tỉnh đã công bố dịch.

Về phía Chi cục Thú y và các cơ sở chăn nuôi tập trung, ông Nguyễn Phước Trung cho biết thêm: Chi cục Thú y tăng cường phối hợp với các đoàn liên ngành, UBND quận, huyện theo dõi, kiểm tra chặt chẽ hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh ở mọi địa bàn, tuyến đường quốc lộ, liên tỉnh lộ và các cửa ngỏ ra vào TP... Tập huấn cho các cơ sở chăn nuôi về các biện pháp phòng chống dịch tai xanh.

Anh Đức

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]