Dịch sởi chững hẳn, viêm não vào mùa

(Em đẹp) - Dịch sởi đã giảm nhiệt mạnh. Trong khi đó, bệnh viêm não và viêm màng não lại đang vào mùa.

15.6051
Dịch sởi đã giảm nhiệt mạnh khi chỉ có trung bình 7-9 ca mắc/ngày phải nhập viện và không còn tình trạng lây chéo. Trong khi đó, bệnh viêm nãoviêm màng não lại đang vào mùa với 4 trường hợp tử vong tại các tỉnh.

Bộ Y tế cho biết dịch sởi đã chững lại rõ rệt với số nhập viện trung bình/ngày/bệnh viện lớn dao động từ 7-9 ca. Trong tuần qua, tại tất cả các bệnh viện trong cả nước ghi nhận 141 trường hợp dương tính với sởi, giảm 17% và có 1 trường hợp tử vong liên quan đến sởi.

Số các trường hợp sốt phát ban nghi sởi nhập viện tại 3 Bệnh viện Bạch Mai, Nhiệt đới, Nhi Trung ương liên tục giảm, số nhập viện cao nhất ngày 5/5/2014 với 52 trường hợp/ngày, đến nay trung bình trong tuần chỉ ghi nhận 7-9 ca nhập viện/ngày.

Trong tuần cũng có 9 tỉnh, thành phố (Bắc Giang, Phú Thọ, Hưng Yên, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Đắc Lắc, Long An, Cao Bằng) không ghi nhận trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Hiện nay chỉ ghi nhận số mắc rất rải rác, đơn lẻ, tại các địa phương, không có ổ dịch tập trung.

Tích lũy từ đầu năm 2014, cả nước ghi nhận 31.313 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó 5.476 trường hợp mắc sởi xác định, 146 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi. Kết quả triển khai tiêm vét vắc xin sởi trên phạm vi toàn quốc tính đến ngày 18/6/2014 đã đạt 97%.


Dịch sởi đã giảm nhiệt mạnh khi chỉ có trung bình 7-9 ca mắc/ngày phải nhập viện và không còn tình trạng lây chéo.

Trong lúc sởi đã giảm nhiệt rõ rệt thì viêm não và viêm màng não, viêm não Nhật Bản lại vào mùa. Mùa hè cũng là thời kì cao điểm của bệnh này (bệnh lây truyền qua muỗi đốt). BV Nhi TƯ thời gian qua đã tiếp nhận trên 70 ca viêm não với 3 ca viêm não Nhật Bản.

Trong tuần qua, Bộ Y tế cho biết có 9 trường hợp mắc viêm não vi rút, không tử vong nhưng tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay ghi nhận 319 trường hợp mắc, 4 trường hợp tử vong tại các tỉnh.

Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng có thể phòng ngừa, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ đầy đủ và đúng lịch: mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Ngoài ra, cần ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng các chất xua đuổi côn trùng để phòng muỗi đốt, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng, có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời (bệnh làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, có tỷ lệ để lại di chứng thần kinh và tử vong cao).

Yến Ngọc
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]