Điện ngon rồi, làm tiếp con tôm thôi!

TP - “Mấy ngày này, người dân chỗ tui không chỉ vui tết mà còn lo mua mô-tơ, mua thêm dây kéo điện. Điện ngon rồi, phải bắt tay vô làm tiếp con tôm thôi”- Phó chủ tịch phường Khánh Hòa (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng), ông Phan Thanh Lâm nói với Tiền Phong.

15.5725
Nhờ tăng cường nguồn điện, trại nuôi tôm công nghiệp Sao Ta (ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng) mở rộng đầu tư, sản xuất.

Những ngày chập chờn

Thị xã Vĩnh Châu và huyện Thạnh Trị là những vùng đất thâm canh tôm trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng. Song, do việc phát triển diện tích nuôi tôm ồ ạt, không theo quy hoạch của địa phương khiến những người nuôi gặp không ít khó khăn. Một cán bộ điện lực tỉnh Sóc Trăng cho biết, do quá nhiều hộ nuôi tôm có nhu cầu sử dụng điện chạy quạt hồ tôm nên dẫn tới tình trạng quá tải, điện chập chờn, hay bị ngắt đột ngột. Nhiều hộ dân phải tự trang bị thêm máy nổ chạy dầu, tốn thêm khá nhiều chi phí, khiến lợi nhuận nuôi tôm giảm đi rất nhiều. Ông Sơn Khớt, chủ 2 ao tôm rộng gần 7000m2 thuộc khóm Bưng Tum (phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu) tính toán: Nếu chạy máy dầu, bình quân mỗi tuần hết trên 30 lít, với giá hơn 600 ngàn đồng. Trong khi chạy bằng mô-tơ điện thì chi phí giảm đến hơn 50%. Tuy nhiên, dù nhà đã có điện lưới từ 3 năm trước nhưng ông Khớt vẫn chưa thể dùng chạy quạt hồ tôm thường xuyên bởi điện lúc có lúc không. “Có khi bật đèn còn đỏ quạch thì sao dám chạy máy, hư tôm có khi hư cả máy bơm”- ông Khớt nói.

Trang traị nuôi tôm Sao Ta tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Châu) cũng trong tình trạng tương tự. Ông Ngô Văn Nghiệp - Phó trưởng trại nuôi tôm Sao Ta cho biết trại có 160 ha tôm, trong đó có 100 ha nuôi tôm công nghiệp. Đây là một công nghệ nuôi tôm mới có chất lượng cao, đảm bảo tỷ lệ hư hại ít cũng như chất lượng tôm được nâng lên và người nuôi có thể kiểm soát được tình hình sức khỏe con tôm. Nhưng, theo ông Nghiệp, khó khăn của việc nuôi tôm theo công nghệ hiện đại này là phải lệ thuộc vào điện. Ông Nghiệp nói: “Chi phí bơm nước, quạt nước nằm trong giá thành con tôm công nghiệp này rất cao, nếu sử dụng máy nổ chạy dầu thì chúng tôi sẽ không còn lợi nhuận nữa. Vì thế chúng tôi chỉ hy vọng dùng điện để thành, song bấy lâu nay điện chập chờn quá nên chúng tôi cũng  rất mệt trong chuyện chạy điện rồi lại chạy dầu”.

Bật lên từ điện

Để giải quyết tình trạng điện chập chờn, giúp người nuôi tôm phát triển sản xuất ổn định, năm 2014 Công ty Điện lực Sóc Trăng đầu tư nâng công suất điện tại khu vực Vĩnh Châu và Thạnh Trị. Trong đó, lắp đặt thêm 2 máy biến áp và 110KV và đưa vào sử dụng tháng 1/2015. Ông Nguyễn Chí Nhơn - Phó giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng cho biết, việc đưa vào sử dụng thêm 2 máy biến áp tại Vĩnh Châu và Thạnh Trị đã bổ sung kịp thời nguồn điện cho các hộ nuôi tôm.

Khi nguồn điện được bổ sung và đảm bảo chất lượng những cơ sở, hộ nuôi tôm ở Vĩnh Châu, Thạnh Trị rất vui mừng và chuẩn bị những kế hoạch chăn nuôi mới. Trại nuôi tôm Sao Ta đã chuẩn bị trước cho việc đón nguồn điện này bằng việc đầu tư nâng cấp 4 trạm biến áp, đồng thời đầu tư 40 tỷ xây dựng thêm các hồ nuôi tôm công nghiệp và 15 tỷ đồng cho việc nuôi tôm quảng canh. Còn hộ ông Sơn Tộ, phường Khánh Hòa thì kéo lại dây, mua thêm máy bơm để “tiếp sức” cho những vuông tôm của gia đình.

Ngoài nuôi tôm, điện còn giúp đời sống kinh tế, văn hóa của người dân địa phương tăng cao. Ông Phan Thanh Lâm cho biết, toàn phường Khánh Hòa có 30% người dân tộc Khmer. Trước đây, do không có điện nên đời sống người dân, nhất là bà con Khmer gặp khó khăn trong trồng trọt và nuôi thủy sản. Từ năm 2012, thực hiện dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng, điện đã được đưa về tại mỗi hộ gia đình.  Chỉ vài năm sau khi có điện, đời sống bà con được nâng lên rõ rệt. Năm 2013 phường có 33% hộ nghèo, năm 2014 giảm còn 23%. Không chỉ đời sống kinh tế khá lên mà đời sống văn hóa giáo dục cũng được nâng lên.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]