“Điều 17” sẽ làm BĐVN rối loạn

(TT&VH) - Điều 17 đe dọa sẽ gây ra một sự rối loạn trong thế giới bóng đá, nên không loại trừ một nguy cơ tương tự sẽ xảy ra với BĐVN, nơi mà mọi thứ vốn dĩ chưa có sự trật tự cần thiết, nhưng lại rất nhạy bén với những khả năng trục lợi từ những luật lệ và quy định.

15.5692

“Điều 17” là gì ?

Tồn tại từ khá lâu trong Quy định về Tư cách và Chuyển nhượng cầu thủ của FIFA, thuộc chương IV (Duy trì tính ổn định của hợp đồng giữa CLB với các cầu thủ chuyên nghiệp), điều 17 quy định về Hậu quả phá vỡ hợp đồng không lý do, và bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2005. Quy định ấy cho phép 1 cầu thủ nếu ký hợp đồng trước năm 28 tuổi, chỉ sau 3 năm thực hiện hợp đồng (hay còn gọi là thời hạn bảo hộ) được phép mua lại những năm còn lại trong hợp đồng của mình với số tiền lương và tiền phí chuyển nhượng bình quân cho 1 năm. Trong trường hợp cầu thủ ký hợp đồng khi họ đã hơn 28 tuổi, thời hạn bảo hộ kia rút ngắn xuống còn 2 năm.

Có thể lấy ví dụ như sau: cầu thủ Nguyễn Văn A, 25 tuổi, ký hợp đồng với CLB B từ năm 2005 có thời hạn 4 năm với mức phí chuyển nhượng 400 triệu và lương là 10 triệu/tháng, sau 3 mùa liên tiếp phục vụ CLB, anh ta chỉ cần mất đúng 220 triệu (1 năm phí và 1 năm lương) để mua lại bản hợp đồng của mình và trở thành cầu thủ tự do, rồi chuyển sang CLB C.

Bóng đá châu Âu đã ghi nhận Andy Webster, cầu thủ người Scotland, là trường hợp đầu tiên đã sử dụng điều khoản này để mua lại hợp đồng của anh từ CLB Heart of Midlothian để chuyển sang chơi cho Wigan (Anh) vào cuối năm 2006. Dĩ nhiên, nó đã gây nên sự tranh cãi, nhưng khi FIFA phán xử, Webster là người chiến thắng.
Thể Công là đội bóng Quân đội nên không quá ngại “Điều 17”
 
Người châu Âu sau sự kiện ấy gọi “Điều 17” là Luật Webster, như họ đã từng gọi Luật Bosman (chuyển nhượng tự do) năm 1995. Cách gọi này hàm ý nó sẽ tạo nên những tác động ghê gớm lên thị trường chuyển nhượng cầu thủ, dự báo về một nguy cơ các CLB sẽ dễ dàng mất cầu thủ của mình nếu không biết cách “ứng xử” để giữ chân các cầu thủ, đồng thời cũng là tài sản của đội bóng.

Sự thiếu minh bạch sẽ dẫn tới sự rối loạn

Ở các nước thuộc châu Âu, các CLB giàu có chưa xoáy mạnh vào “điều 17” vì nếu làm vậy cũng có nghĩa họ tự bắn vào chân mình. Chẳng hạn, nếu Barca có được Lampard nhờ khoản tiền chuộc rẻ bèo, thì cũng không có gì đảm bảo là họ sẽ không bị mất Ronaldinho hay Puyol theo cách tương tự.

Và một điểm nữa, ở châu Âu, cả 2 chi tiết phí chuyển nhượng và tiền lương đều rất rõ ràng, được cụ thể hóa trong hợp đồng. Sự minh bạch ấy có thể khiến các CLB dễ dàng mất cầu thủ, nhưng không phải lúc nào cũng thiệt hại về kinh tế, ngoại trừ trường hợp “tài sản” là các cầu thủ tiềm năng có giá trị chuyển nhượng rất cao so với giá trị ký hợp đồng trước kia.

Thủ môn Quang Huy của Nam Định (hợp đồng tới 12-2009) hiện được định giá trên thị trường chuyển nhượng khoảng 100.000 USD, nhưng hoàn toàn có thể chia tay Nam Định chỉ với số tiền 216 triệu (18 triệu x 12 tháng lương, không có quy định về phí ký hợp đồng trước đây) vào cuối năm nay theo “Điều 17”. Đây chỉ là 1 trong số rất nhiều các cầu thủ của BĐVN có thể trở thành Ady Webster của BĐVN.

Trong khi ấy, với BĐVN, ở phần nào đó là khá điển hình cho một xã hội đang phát triển, thì giá trị thực chất (của phí chuyển nhượng và tiền lương, kể cả với các cầu thủ ngoại) đều không được thể hiện trên bản hợp đồng (cơ sở để căn cứ xử lý), nhằm trốn thuế chẳng hạn. Thực trạng này hoàn toàn có thể khiến thị trường cầu thủ VN trở nên rối loạn, vì ngoài việc tuân theo các quy định của Quy chế Bóng đá Chuyên nghiệp của VFF, nó còn chịu sự điều chỉnh của Luật FIFA.

Hãy thử tưởng tượng, hàng loạt cầu thủ VN hiện nay, khi đã vượt qua “thời hạn bảo hộ” nói trên, đều có thể mua lại hợp đồng của họ chỉ với vài trăm triệu đồng (vì lương trung bình chỉ 15 triệu/tháng), còn phí ký hợp đồng phần lớn đều là các khoản lót tay đưa chui và nhận chui, khi ấy không loại trừ sẽ có những đội bóng nhỏ, những đội bóng lâu nay tập trung vào công tác đào tạo trẻ như Nghệ An, Nam Định, Bình Định, Thanh Hóa... sẽ tiếp tục “mất máu” thậm chí khánh kiệt.

Tuy nhiên, nguy cơ này có thể sẽ thúc đẩy tính chuyên nghiệp, đặc biệt là tính minh bạch trong các hoạt động chuyển nhượng, ký kết hợp đồng cầu thủ của BĐVN trong tương lai. Vì đó là cách duy nhất mà các CLB tự bảo vệ họ, trước xu hướng suy giảm lòng trung thành của các cầu thủ và cả sự xuất hiện của những CLB mới đã và đang tạo nên những tác động tiêu cực tới thị trường chuyển nhượng BĐVN.
 

Phạm Tấn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]