Điều cần biết về thuốc điều trị tiểu đường

Hiểu bệnh và việc dùng thuốc chữa bệnh đái tháo đường sẽ giúp bạn sống khỏe mạnh, vui vẻ hơn.

15.6125

Đái tháo đường (tiểu đường) là bệnh thường gặp nhất trong số các bệnh nội tiết và là một trong ba bệnh có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới (ung thư, tim mạch, đái tháo đường). Nếu không điều trị và quản lý tốt, bệnh sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm, để lại hậu quả nặng nề cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Việc điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường phức tạp khi kết hợp thuốc điều trị các bệnh với nhau.

Ảnh minh họa: Internet

Thuốc làm tăng đường huyết

Thuốc nội tiết

Glucocorticoid, một loại nội tiết tố của tuyến thượng thận, được sử dụng rộng trong điều trị viêm khớp, hen phế quản, dị ứng… Thuốc có thể làm tăng đường huyết. Ngay đối với một số người không mắc bệnh đái tháo đường nếu cần điều trị glucocorticoid thời gian dài cũng có thể làm tăng đường huyết do glucocorticoid làm tăng tổng hợp glucose và làm giảm tác dụng của insulin.

Thuốc tránh thai đường uống có bản chất là các steroid có khả năng gây tăng đường huyết, làm tăng đề kháng với insulin ở các mô. Nguy cơ làm tăng đường huyết của thuốc ở các phụ nữ thừa cân, béo phì hoặc có tiền sử bị đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên, các thuốc tránh thai đường uống không phải là thuốc chống chỉ định cho các bệnh nhân nữ đái tháo đường.

Thuốc điều trị tăng huyết áp

Các thuốc lợi tiểu như furosemide, acetazolamide, bumetanide, đặc biệt là thiazide điều trị tăng huyết áp, suy tim… có thể gây tăng đường huyết do trực tiếp làm giảm tiết insulin ở tụy và làm tăng đề kháng với insulin. Cơ chế gián tiếp là hầu hết các thuốc lợi tiểu đều gây thải nhiều kali, làm hạ kali máu gây ảnh hưởng đến quá trình tiết insulin ở tụy.

Các loại thuốc chẹn beta giao cảm: propranolol, atenolol, metoprolol… điều trị tăng huyết áp, suy tim, nhịp tim nhanh có thể gây tăng đường huyết nhẹ do vừa làm sản xuất thêm đường glucose mới vừa làm giảm sản xuất insulin ở tụy.

Thuốc hạ đường huyết

Metformin được coi là thuốc điều trị hàng đầu cho bệnh nhân đái tháo đường týp 2 có béo phì hoặc thừa cân do có tác dụng chính lên sự đề kháng insulin. Tuy nhiên metformin có tác dụng phụ gây đầy bụng, buồn nôn, tiêu chảy… nên dùng thuốc metformin ngay sau bữa ăn. Thuốc chống chỉ định cho những bệnh nhân đái tháo đường týp 1, bệnh nhân suy gan, suy thận, suy hô hấp và thận trọng đối với bệnh nhân trên 70 tuổi.

Các thiazolidinediones (TZD) có tác dụng làm tăngđộ nhạy của insulin ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2, vì vậy có tác dụng cải thiện tác dụng của insulin tại các mô, cơ quan trong cơ thể nhưng không có tác dụng làm tăng tiết insulin. Do đó thuốc này không thể gây được hạ đường huyết quá thấp. Dùng thuốc này điều trị dễ gây tăng cân, thuốc còn có tác dụng giữ nước. Cần cân nhắc dùng thuốc TZD cho những bệnh nhân bị suy tim hoặc có bệnh tim mạch. Chống chỉ định cho những bệnh nhân viêm gan hoặc men gan tăng cao. Cũng có những ý kiến khuyến cáo không nên phối hợp thuốc này với insulin.

Insulin khi bệnh đái tháo đường týp 2 tiến triển, dù điều trị tích cực các thuốc uống thì chức năng tế bào beta vẫn giảm dần. Đến một lúc nào đấy sẽ không kiểm soát được đường máu dù đã tăng liều tối đa các loại thuốc uống. Khi đó điều trị insulin là bắt buộc. Nên điều trị phối hợp insulin với các loại thuốc uống để hạn chế gây tăng cân, giảm nguy cơ hạ đường huyết quá thấp. Ngoài ra các loại thuốc uống có thể có nhiều tác dụng có lợi khác cho hệ tim mạch, như metformin, TZD có tác dụng làm giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch.

BS. Nguyễn Thị Vân

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]