Điều chị em cần làm để tránh bệnh trĩ khi mang thai?

Bệnh trĩ là một trong những triệu chứng sinh lý phổ biến khi mang thai.

15.6154
Em mang thai được 20 tuần và ăn uống khá nhiều đồ ăn nóng, nhiều đạm. Em đã nghe nói nhiều về bệnh trĩ khi mang thai. Mặc dù chưa bị táo bón nhưng em sợ nếu cứ kéo dài tình trạng này thì em sẽ bị trĩ. Mong bác sĩ tư vấn giúp em có cách nào để ăn uống đủ chất mà vẫn phòng được bệnh trĩ trong thời gian này hay không? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn! (Ba Lê)

Trả lời:

Bạn Ba Lê thân mến,

Bệnh trĩ là bệnh giãn tĩnh mạch ở vùng hậu môn trực tràng gây sưng hoặc xuất huyết. Bệnh gây ngứa và khó chịu nhẹ, nếu nặng hơn sẽ gây đau đớn, thậm chí là chảy máu trực tràng. Bệnh trĩ là một trong những triệu chứng sinh lý phổ biến khi mang thai, nếu bạn đã bị mắc bệnh ngay từ trước khi mang thai thì bệnh sẽ có xu hướng phát triển trong những giai đoạn tiếp theo của thai kỳ, điều này cũng là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe của bạn cũng như thai nhi.


Bệnh trĩ là một trong những triệu chứng sinh lý phổ biến khi mang thai. Ảnh minh họa

Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh trĩ trong thời gian thai kì là do tử cung phát triển gây áp lực lên tĩnh mạch vùng xương chậu cũng như tất cả các mô và cơ khác của người mẹ làm chậm sự lưu thông máu khiến cách tĩnh mạch bị căng giãn hết cỡ. Bên cạnh đó, sự gia tăng hormone progesterone trong thai kỳ cũng tạo ra áp lực lên các thành tĩnh mạch khiến những vùng này dễ dàng bị sưng, giãn ra và yếu dần. Đặc biệt, progesterone gây nên bệnh táo bón bằng cách làm chậm sự tiêu hóa trong đường ruột của người mẹ.

Táo bón trong thời kì mang thai cũng là một nguyên nhân có thể gây bệnh trĩ.

Để phòng bệnh, bạn cần lưu ý những điều sau đây:

- Bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ vào bữa ăn hàng ngày để tránh táo bón như ngũ cốc nguyên hạt, đậu, trái cây và rau quả. 
 
- Các bài tập kegel để tăng lưu thông máu ở vùng trực tràng và tăng cường cơ bắp xung quanh hậu môn. Đây cũng là bài tập giúp bạn thu hẹp vùng cơ quanh âm đạo, niệu đạo, giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi sau sinh.
 
- Tránh ngồi hoặc đứng trong khoảng thời gian dài. Hãy cố gắng đứng dậy và di chuyển nhiều trong vài phút mỗi giờ hoặc lâu hơn. 
 
- Vệ sinh nhẹ nhàng vùng hậu môn sau khi đi vệ sinh. Tránh sử dụng các loại giấy vệ sinh có màu hay có quá nhiều mùi thơm.

Bạn cũng nên cân đối lại chế độ ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ để phù hợp với sức khỏe của mình nhé.

Chúc bạn vui khỏe!
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]