Điều chỉnh tật cận, loạn thị bằng kính áp tròng tạo hình giác mạc

Khi bị tật khúc xạ, việc đeo kính gọng hay kính áp tròng có nhiều bất tiện khi chơi các môn thể thao, đi lại trong mưa, hoặc ảnh hưởng đến một số công việc (diễn viên, người mẫu).

15.6182

Hiện nay, có thể thay thế việc đeo kính bằng sử dụng kính áp tròng tạo hình giác mạc ban đêm.

Tạo hình bề mặt giác mạc

BS Nguyễn Phạm Trung Hiếu - giảng viên bộ môn Mắt, ĐH Y Dược TPHCM cho biết, giác mạc là phần phía trước của mắt (hay gọi là tròng đen), có dạng chõm cầu trong suốt, có nhiệm vụ che chở phía trước của mắt và chịu trách nhiệm cho 60% độ hội tụ (khúc xạ) của mắt. Khi thay đổi cấu trúc bề mặt của giác mạc, có thể điều chỉnh độ khúc xạ (độ cận, loạn) của mắt.

Điều chỉnh tật khúc xạ bằng kính áp tròng là dùng kính áp tròng cứng đeo vào ban đêm để điều chỉnh cấu trúc, hình dạng bề mặt giác mạc. Theo nghiên cứu, chỉ cần chiều dày giác mạc thay đổi khoảng 6μm (tương đương 5% bề dày sợi tóc) thì độ cận giảm được một độ.

Tùy theo độ cận hay loạn ban đầu và đặc điểm của mỗi người, có thể mất từ một đến vài tuần để có hiệu quả điều trị. Thời gian đeo kính khi mới bắt đầu điều trị trung bình 6 - 8 tiếng/mỗi đêm. Khi đạt được hiệu quả điều trị tối đa, thời gian đeo kính có thể giảm xuống, thậm chí có thể chỉ cần đeo kính cách ngày để duy trì hiệu quả điều trị.

Phương pháp này có hiệu quả tốt ở những người bị cận thị từ -6 độ trở xuống, và loạn thị từ -1,5 độ trở xuống.

Đeo không đúng, nhiều nguy hại cho mắt

Theo BS Nguyễn Phạm Trung Hiếu, kính áp tròng tạo hình giác mạc tuy được xếp thành một nhóm riêng, nhưng cũng giống như kính áp tròng điều chỉnh tật khúc xạ cổ điển (loại kính đeo liên tục trong ngày), và kính áp tròng thẩm mỹ (tạo màu mắt thẩm mỹ), có những nguy hiểm nhất định khi sử dụng không đúng.

Trước tiên, nên tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc tháo lắp và vệ sinh kính cũng như vệ sinh mắt. Không tuân thủ đúng, có thể gây trầy xước tròng đen khi tháo lắp kính; gây viêm nhiễm, khó chịu khi đeo kính như chảy nước mắt, đỏ mắt, sưng mắt,... từ đó có thể dẫn đến các di chứng viêm kết mạc (tròng trắng), viêm bờ mi, hoặc làm tổn thương giác mạc, bị viêm, thậm chí loét giác mạc, nếu nặng có thể gây giảm thị lực vĩnh viễn.

Trước khi sử dụng kính áp tròng tạo hình giác mạc, phải được bác sĩ nhãn khoa thăm khám và chỉ định cụ thể tùy theo tình trạng tật khúc xạ ở mỗi người. Đồng thời, người sử dụng kính phải tuân thủ lịch theo dõi, tái khám để được điều chỉnh kính cho phù hợp và đánh giá hiệu quả điều trị. Không được tự ý mua kính sử dụng hoặc “đeo thử” kính của người khác với mục đích muốn xem mắt mình có điều chỉnh được độ cận hay không.

Hơn nữa, kính áp tròng tạo hình giác mạc chỉ có hiệu quả trong thời gian điều trị liên tục với kính. Khi ngưng sử dụng một thời gian, độ khúc xạ trở lại như cũ, và cần phải đeo kính gọng hoặc kính áp tròng trong ngày để điều chỉnh tật khúc xạ.

Ở một số trường hợp, khi sử dụng kính áp tròng có thể bị khô mắt. Lúc này người đeo nên thông báo cho bác sĩ biết, không được tự ý dùng thuốc nhỏ mắt hoặc “nước mắt nhân tạo” để bổ sung nước cho mắt.

Một số thuốc được cho là “nước mắt nhân tạo”, khi dùng phải có giới hạn theo chỉ định của bác sĩ bởi chúng có chứa các chất gây co mạch để làm giảm triệu chứng đỏ mắt (làm tròng trắng trở nên trong hơn), có thể gây tác dụng phụ như dãn đồng tử, hoặc tăng nhãn áp. Ngoài ra, một số chất bảo quản trong thuốc cũng có thể gây dị ứng: đỏ mắt, sưng mắt, ngứa mắt.

Kính áp tròng không thể áp dụng đối với các trường hợp mắt đang bị tổn thương, viêm nhiễm mi mắt, có bất thường trên giác mạc, khô mắt, dị ứng với dung dịch ngâm kính, bị ngứa đỏ mắt khi đeo kính; đang mắc các bệnh mạn tính có thể ảnh hưởng đến mắt như tiểu đường, cao huyết áp.

Theo Thanh Hoa - Phụ nữ TPHCM
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]