Điều chỉnh tật cận thị bằng kính áp tròng ban đêm

GiadinhNet - Không cần mang kính gọng, kính áp tròng ban ngày và không cần phẫu thuật nhưng những người cận thị vẫn nhìn thấy rõ. Sử dụng kính áp tròng đặt vào mắt khi ngủ đêm để điều chỉnh lại độ cong của bề mặt giác mạc của mắt, nhằm giảm mức độ cận, giúp người bị cận thị có thị lực tốt để hoạt động cũng như sinh hoạt vào ban ngày.

0

 

BS Vũ Tuệ Khanh đang khám lại cho con trai chị Vũ Tuyết Nhung. Ảnh: P.T

 

Không cần đeo kính nhờ kính áp tròng ban đêm

BS Vũ Tuệ Khanh, chuyên gia giác mạc (BV Mắt Sài Gòn) cho biết, ngày nay tỷ lệ cận thịmức độ cận thị ngày càng tăng cao. Qua một số nghiên cứu ở BV Mắt Hà Nội và BV Mắt Trung ương cho thấy, đến lứa tuổi phổ thông trung học thì 50% các cháu bị cận thị. Để điều chỉnh tật cận thị của mắt có nhiều phương pháp như đeo kính gọng, đặt kính áp tròng hoặc phẫu thuật.

Đeo kính gọng là cách thông dụng, nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, khi đeo kính gọng, người cận thị gặp nhiều bất lợi như chơi các môn thể thao, hạn chế đi lại vào trời mưa. Còn dùng kính áp tròng ban ngày phải đeo cả ngày và tháo ra buổi tối trước khi đi ngủ. Kính áp tròng nếu đeo ban ngày có nhiều biến chứng gây ra như viêm kết mạc, viêm giác mạc hay đỏ mắt… Phương pháp chỉnh hình bề mặt giác mạc bằng sử dụng kính áp tròng ban đêm gần đây được chỉ định rộng rãi ở các nước tiên tiến và bắt đầu được triển khai tại Việt nam vì có khả năng khống chế được mức độ tiến triển của tật cận thị. Người cận thị không còn lệ thuộc vào kính gọng hoặc kính áp tròng trong sinh hoạt thường ngày cũng như làm giảm sự tiến triển của tật cận thị.

Nhiều bệnh nhân sau khi dùng phương pháp này đã bỏ được kính. Cháu Lê Đình Lục Quân (ở Hà Đông, Hà Nội) bị cận thị khi 10 tuổi với một bên mắt cận 2,75 độ và một bên 3,25 độ. Gia đình không muốn để Quân đeo kính, đã đưa cháu đi bấm huyệt một năm nhưng không hiệu quả. Biết đến phương pháp kính áp tròng ban đêm giúp không tăng số, gia đình đã cho Quân sử dụng. Trước khi đi ngủ tối, với sự hỗ trợ của bố mẹ cháu đặt kính áp tròng vào mắt, khi ngủ dậy lấy kính ra khỏi mắt và toàn bộ hoạt động vui chơi cũng như học tập của cháu diễn ra bình thường mà không cần đeo kính gọng.

“Trước đây cháu không thể chơi thể thao do chiếc mắt kính vướng víu, không thể chạy hay chơi bóng. Cháu cận 3,25 độ nhưng giờ đã nhìn rõ mọi thứ từ khi được mẹ dẫn đi làm kính áp tròng ban đêm. Cháu chép bài nhanh hơn nên có thời gian nghe giảng. Ngoài giờ học cháu cũng có thể xem phim thoải mái mà không đau mắt”, Quân chia sẻ.

Nguyễn Bảo Khang, 12 tuổi cũng sớm bị cận khi mới học lớp 3. Để có thể nhìn rõ, Khang phải đeo kính cận. Từ khi đến BV Mắt Hà Nội thực hiện phương pháp đeo kính áp tròng ban đêm, Khang đã nhìn rõ và bỏ luôn kính. Khang cho biết, đeo kính gọng rất bất tiện, rất dễ gãy kính và vỡ mắt kính. Lúc đầu đeo kính áp tròng hơi khó chịu nhưng sau quen. Sau một đêm đeo kính, sáng dậy cháu thấy mắt rất trong và nhìn rất rõ dù không phải đeo kính.

Con chị Vũ Tuyết Nhung (ở Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội) cũng không cần phải sử dụng kính gọng nhờ phương pháp kính áp tròng ban đêm. Trước đây, cháu gần như không thấy gì nếu không có kính. Ban đầu chị định đưa con đi phẫu thuật nhưng khi được người em “mách”, chị đã cho con dùng. Giờ ban ngày con chị không phải đeo kính nhưng vẫn tự tin, sinh hoạt bình thường.

Ưu điểm vượt trội

Theo các bác sỹ nhãn khoa, phương pháp sử dụng kính áp tròng ban đêm là phương pháp hiện tại được đánh giá cao trên thế giới. Đây là phương pháp có thể áp dụng thích hợp cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em mức độ tiến triển của tật cận thị tăng nhanh. Đối với người lớn hơn khi sử dụng kính áp tròng ban đêm sẽ không bị hạn chế khi hoạt động thể thao, tăng tính thẩm mỹ, các bạn gái tự tin hơn khi trang điểm... Việc sử dụng kính gọng các cháu ở lứa tuổi đi học mức độ cận thị mỗi năm tăng từ 1.00 D đến 1.50 D, khi sử dụng kính áp tròng ban đêm mỗi năm mức độ cận tăng từ 0.25 D đến 0.50 D.

BS Vũ Tuệ Khanh cho biết, kính áp tròng ban đêm có kích thước đường kính dưới 12mm nằm trên bề mặt của giác mạc, là phần lòng đen của mắt. Kính được đặt vào mắt ngay trước khi đi ngủ tối, lấy ra khi thức dậy vào buổi sáng và thay thế các phương pháp sử dụng kính khác vào ban ngày. Người mắc tật cận thị có thể hoàn toàn thoải mái, tự do hoạt động khi thức.

Về mặt cơ chế, kính áp tròng ban đêm điều chỉnh thị lực ban ngày cho người có tật khúc xạ dựa trên tính đàn hồi tự nhiên cao của giác mạc và thiết kế riêng cho từng người. Người có tật khúc xạ đeo kính áp tròng qua đêm, cùng với lực tác động của mi mắt khi nhắm mắt ngủ có tác dụng tạo khuôn nhẹ làm thay đổi độ cong của giác mạc trong một thời gian vào ban ngày. Hàng đêm, kính được đặt vào mắt khi ngủ và lấy ra khi thức dậy.

“Thông thường nếu các em cận dưới 2 độ, sau một đêm sử dụng kính, ngày tiếp theo không cần phải đeo kính gọng. Nếu cận và loạn cao, thời gian giảm độ sẽ lâu hơn, khoảng trên một tháng. Quan trọng khi dùng kính này cần tuân thủ chế độ bảo quản và giữ gìn kính tránh bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm. Chẳng hạn, trước khi dùng kính cần phải rửa tay xà phòng, nguồn nước phải nước sạch không thể sử dụng nước ao hồ dễ gây nhiễm khuẩn cho mắt. Ngoài ra cần mua dung dịch rửa kính thường xuyên giúp làm cho bề mặt kính trơn nhẵn, tiệt trùng cho kính. Nếu việc tháo lắp kính không đúng cách có thể dẫn đến triệu chứng như sưng hoặc cộm mắt. Nếu trường hợp này xảy ra, bệnh nhân cần dừng sử dụng kính tiếp xúc ngay và đến khám lại”, BS Vũ Tuệ Khanh khuyên.

 

Những lưu ý khi sử dụng kính áp tròng

- Rửa tay sạch và lau bằng khăn khô sạch trước khi tháo hoặc lắp kính vào mắt.

- Ngâm kính trong dung dịch bảo quản đủ thời gian trước khi đeo vào mắt.

- Thay kính đúng hạn định (không nên đeo quá thời hạn dù chưa có gì khó chịu xảy ra).

- Ngưng đeo kính tiếp xúc ngay khi có các triệu chứng: Mắt đỏ, mắt mờ hoặc có cảm giác cộm xốn khó chịu và đi khám ngay tại bác sỹ nhãn khoa.

- Cần tái khám định kỳ: Sau 1 tháng đối với lần đeo đầu tiên và 6 tháng đối với những lần kế tiếp.

Phương Thuận

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]