Điều trị bệnh COPD như thế nào?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh phổ biến trên thế giới có tỷ lệ mắc cao và xu hướng ngày càng gia tăng.

0

Tôi 63 tuổi, bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ mấy năm nay. Tôi đã điều trị cả Tây và Đông y nhưng bệnh không đỡ, đặc biệt vào mùa đông, tôi thường phải nhập viện vì bệnh nặng. Xin quý báo giúp tôi hiểu thêm về bệnh cũng như cách điều trị và dự phòng đợt bùng phát? Tôi xin cảm ơn!

Trần Trung Hậu (Bắc Giang)

Nguyên nhân chính của bệnh là do hút thuốc lá; tiếp xúc với bụi khói hoặc môi trường sống đã tác động trực tiếp tới phế quản – phổi của những cơ địa nhạy cảm với độc tính của khói bụi. Bệnh tiến triển nặng dần không hồi phục, trên nền bệnh ổn định thì xen kẽ có những đợt bùng phát. Đợt bùng phát thường xuất hiện vào mùa đông xuân và lúc chuyển mùa, sở dĩ như vậy là do thời kỳ này ô nhiễm không khí tăng, do nhiễm lạnh, cúm và sương mù kích thích. Đặc biệt ở mùa đông xuân, bệnh nhân dễ mắc cúm và các nhiễm virut đường hô hấp khác, kế tiếp sau là bội nhiễm vi khuẩn khiến người bệnh bị ho khạc đờm tăng, số lượng đờm nhiều, đờm mủ, có thể có biểu hiện của nhiễm trùng (sốt), khó thở tăng.

Để dự phòng bệnh thì cần:

- Bỏ hút thuốc lá, là một biện pháp điều trị đơn giản và có hiệu quả nhất, giảm được nguy cơ mắc bệnh cũng như làm bệnh giảm tiến triển.

- Chế độ dinh dưỡng cân đối, dùng thêm các vitamin chống ôxy hóa như vitamin C, vitamin E, vitamin A.

- Cải thiện môi trường sống, tránh bụi - khói, bảo hộ lao động tốt khi làm việc trong môi trường bụi - khói.

- Dùng vaccin cúm, phế cầu khuẩn, tốt nhất hằng năm dùng vào mùa thu.

- Ôxy liệu pháp dài ngày tại  nhà: Dùng cho những bệnh nhân nặng bị suy hô hấp mạn tính.

- Tập luyện phục hồi chức năng: Thể dục dưỡng sinh, đi bộ, tập thở cơ hoành tốt nhất bằng bài tập khí công làm nhiều lần trong ngày.

Các loại thuốc điều trị đợt bùng phát bao gồm:

Kháng sinh: Dùng dạng uống hoặc tiêm tùy mức độ nặng của bệnh, tốt nhất dựa theo kết quả kháng sinh đồ, thường dùng kháng sinh nhóm cephalosporin kết hợp với gentamyxin một đợt kéo dài từ  10-14 ngày.

Thuốc giãn nở phế quản: Dùng thuốc kháng cholinergic (atrovent, spiriva), dạng kết hợp với thuốc chủ vận ß2, có thể dùng thuốc nhóm chủ vận ß2 (salbutamol, terbutalin...) và nhóm corticosteroid: khí dung, uống hoặc đường tiêm tuỳ theo mức độ bệnh. Thường dùng dạng phối hợp, tác dụng tại chỗ (berodual, combivent).

Thuốc điều biến nhày, kháng ôxy hoá: Có các loại fluimucil, mucomyst, mucosolvant, acetylcystein dạng uống.

Thở ôxy: Khi có suy hô hấp.

Tuy nhiên, tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc theo đơn của bác sĩ nếu điều trị ngoại trú. Khi có dấu hiệu khó thở nặng thì cần đến bệnh viện để được khám và điều trị nội trú.

TS. Nguyễn Tiến

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]