Điều trị hen cho người cao tuổi

Bố tôi năm nay 65 tuổi, ông bị hen phế quản mạn, sức khỏe yếu, thỉnh thoảng có đau nhức xương khớp, ăn ngủ kém. Vậy xin hỏi cần lưu ý gì khi dùng thuốc? Có nên sử dụng thuốc dưới dạng hít?

15.5165

Bố tôi năm nay 65 tuổi, ông bị hen phế quản mạn, sức khỏe yếu, thỉnh thoảng có đau nhức xương khớp, ăn ngủ kém. Vậy xin hỏi cần lưu ý gì khi dùng thuốc? Có nên sử dụng thuốc dưới dạng hít?

Ngô Văn Vinh (Nghệ An)

Cũng như ở mọi nhóm tuổi khác, việc điều trị hen ở người cao tuổi cũng phải bắt đầu từ việc tránh tiếp xúc tối đa với các dị nguyên gây bệnh. Một vấn đề rất quan trọng trong chiến lược điều trị hen ở người cao tuổi là việc khai thác cẩn thận tiền sử dùng thuốc trước đây và hiện nay của người bệnh. Aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau không phải steroid (như ibuprofen, diclofenac) rất hay được sử dụng ở người cao tuổi để dự phòng huyết khối hoặc điều trị viêm khớp, có thể làm khởi phát các cơn hen cấp hoặc làm cho cơn hen nặng lên.

Một số thuốc thường sử dụng trong điều trị các bệnh tim mạch như thuốc chẹn bêta giao cảm (propranolol, nadolol, timolol), thuốc ức chế men chuyển (captopril, enalapril), verapamil có thể gây ra các cơn hen cấp hoặc làm cho tình trạng hen khó kiểm soát hơn. Mất ngủ cũng là một vấn đề thường gặp ở người cao tuổi, sử dụng các thuốc an thần gây ngủ như diazepam, phenobarbital có thể gây ức chế hô hấp và làm cho tình trạng hen nặng lên. Tất cả các loại thuốc gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng hen cần phải được ngưng sử dụng hoặc thay thế ngay khi có thể.

Bạn có thể lựa chọn các dụng cụ hít thích hợp cho người bệnh. Do người cao tuổi thường khó phối hợp giữa tay và nhịp thở nên việc sử dụng bình xịt định liều chuẩn sẽ gặp nhiều khó khăn và nên được dùng kết hợp với buồng khí dung, những bệnh nhân có sức thở yếu cũng không nên dùng các dạng bình hít bột khô.

Tác dụng phụ của các thuốc điều trị hen cũng thường gặp ở người cao tuổi hơn so với người trẻ tuổi. Người bệnh thường rất nhạy cảm với các tác dụng phụ của thuốc cường bêta giao cảm như run tay, nhịp tim nhanh, nhất là những người có bệnh tim mạch kết hợp. Khả năng đào thải thuốc kém cũng làm cho bệnh nhân hen lớn tuổi có nguy cơ cao bị ngộ độc theophyllin và do đó cần phải được dùng giảm liều. Những bệnh nhân sử dụng glucocorticoid đường hít liều dùng kéo dài hoặc thường xuyên phải uống glucocorticoid trong điều trị các đợt hen cấp có nguy cơ cao bị loãng xương và cần được phối hợp với các biện pháp dự phòng loãng xương như bổ sung canxi và vitamin D. Mặc dù một số nghiên cứu cho thấy việc bổ sung nội tiết tố nữ có thể làm tăng nguy cơ các đợt bùng phát của hen nhưng điều trị này vẫn là cần thiết để dự phòng loãng xương ở những bệnh nhân nữ có nguy cơ cao.

BS. Nguyễn Trường

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]