Đoán bệnh qua nước tiểu

15.5697

Màu sắc của nước tiểu có thể phản ánh những thói quen sức khỏe hằng ngày của chúng ta, chế độ ăn uống, và những tình trạng nghiêm trọng của cơ thể.

Hãy tìm hiểu những tình trạng dưới đây của nước tiểu để có thể hiểu thêm về tình trạng cơ thể và có hướng chữa trị thích hợp.

Màu vàng nhạt

Đó là sắc màu hoàn toàn bình thường, bác sĩ Michael Hyman – Trưởng khoa Tiết niệu Trung tâm y tế Providence St Joseph ở Burbank, California cho biết.

Màu vàng là do mật được sản xuất bởi gan và được bài tiết qua nước tiểu.

Đó là một phần của việc bài tiết các chất độc hại.

Trong suốt

Nếu nước tiểu không để lại màu sắc gì trên giấy vệ sinh có nghĩa rằng bạn đã uống nhiều nước. Màu nước tiểu càng nhạt là do bạn uống càng nhiều nước – bác sĩ Elisabeth Kavaler – trợ lý giáo sư về lâm sàng thuộc Khoa Tiết niệu Trường y khoa Weill Cornell ở thành phố New York giải thích.

Màu nước tiểu nhạt thì không có gì phải lo lắng, chỉ trừ việc là bạn phải đi tiểu quá nhiều – bác sĩ Kavaler cho biết.

Tất nhiên, việc cơ thể được cung cấp lượng nước dư thừa có thể dẫn đến tình trạng hạ natri trong máu (hyponatremia) – diễn ra khi một người nạp vào cơ thể quá nhiều chất lỏng làm mất cân bằng lượng natri có thể gây chết người. (Các nhân tố khác khiến cho bạn có nguy cơ bị hạ natri trong máu còn do một số loại dược phẩm trị bệnh gây nên và tình trạng bệnh tật, như bệnh thận).

Một người khỏe mạnh bình thường cần 6-7 ly nước mỗi ngày. Vì thế bạn chỉ cần uống đủ nước cho cơ thể, không nên uống quá nhiều nước.

Màu trắng đục

“Nếu cơ thể bạn hiện tại không có vấn đề gì bất thường, đừng lo lắng khi thấy nước tiểu mình có màu trắng đục” – bác sĩ Hyman nói.

Một trong những nguyên nhân thông thường nhất gây nên tình trạng này là chứng tiểu đục do cặn phosphate (phosphaturia) – tinh thể phosphate hình thành khi nồng độ axít trong máu thấp. Với mức các tinh thể phosphate cao thường xuyên sẽ khiến bạn bị sỏi thận.

Nếu quan tâm đến vấn đề này, bạn có thể thực hiện tự kiểm tra tại nhà như sau: tự lấy nước tiểu của mình trong một cái lọ nhỏ, sau đó bạn cho vào đó một muỗng đầy giấm ăn. Nếu nước tiểu trắng đục là do cặn phosphate gây ra, nước tiểu sẽ chuyển sang trong suốt.

Nếu nước tiểu của bạn thường xuyên bị trắng đục, hãy đi khám bệnh ngay, vì bạn có thể bị nhiễm trùng (mà triệu chứng chưa thể hiện), hoặc đó là một dấu hiệu của những chứng sưng viêm khác, thậm chí là ung thư.

Những nguyên nhân khác khiến cho nước tiểu có màu trắng đục? Có thể có một túi mủ do có sự nhiễm trùng trong niệu đạo.

Nếu nước tiểu của bạn có màu trắng đục, khiến bạn rát buốt, cứ muốn đi tiểu, và bạn đi tiểu thường xuyên thì có thể bạn đang bị viêm đường tiết niệu – bác sĩ Kavaler cho biết. Việc này sẽ khiến bạn khó chịu nhưng không nguy hiểm.

Chứng viêm đường tiết niệu có thể gây nên tình trạng sưng viêm ở bất cứ vị trí nào trong đường tiết niệu, từ niệu đạo (ống dẫn nước tiểu ra ngoài cơ thể) đến thận.

Màu xanh da trời – xanh lá cây

Nếu bạn nhìn thấy những tông màu này hơi nhàn nhạt trong nước tiểu, thủ phạm chính là các loại thuốc và vitamine mà bạn đang dùng.

Nước tiểu có màu xanh da trời hoặc xanh lá cây thì rất thường thấy khi bạn dùng các loại thuốc mua không cần đến toa bác sĩ như các thuốc giảm đau rát khi bị viêm đường tiết niệu như AZO (phenazopyridine), hay Prosed (methenamine).

Nếu bạn có chụp X-quang hay làm CT scan, được tiêm vào tĩnh mạch các dung dịch tiêm có màu xanh methylene, hay màu đỏ chàm, bạn sẽ thấy những màu tương ứng này được thải ra trong nước tiểu.

Một số các loại multi-vitamine cũng làm cho nước tiểu có màu xanh da trời hoặc xanh lá cây. Ví dụ khi bạn nạp vào cơ thể nhiều vitamine B sẽ làm cho nước tiểu có màu xanh lá cây sáng.

Nếu không nằm trong các nguyên nhân trên, có thể bạn đã bị nhiễm trùng do một loại vi khuẩn được gọi là trực khuẩn mủ xanh (pseudomonas). Nếu nước tiểu của bạn có tính axít, vi khuẩn này sẽ biến màu nước tiểu của bạn thành xanh lá cây – xanh da trời. Trường hợp này bạn cần đi khám ngay để được chữa trị nhanh chóng.

Màu vàng huỳnh quang/ cam

Hôm nay bạn có ăn nhiều cà rốt không? Hay củ cải đường? Hoặc có tăng cường vitamine C để phòng tránh cảm cúm? Nếu có thì nước tiểu của bạn sẽ có ánh cam hay ửng hồng.

Nếu không phải do thực phẩm và vitamine thì đó có thể là do bạn đã dùng thuốc trị bệnh. Các loại thuốc trị bệnh, bao gồm thuốc kháng sinh Rifampin (Rifadin), thuốc chống đông máu (Coumadin), các loại thuốc nhuận tràng hay thuốc dùng trong hóa học trị liệu cũng làm cho nước tiểu có màu cam.

Nếu nước tiểu có màu cam đậm viền nâu cho thấy có quá nhiều mật thải ra trong nước tiểu. Có thể bạn đã bị vấn đề về dạ dày, ruột hay gan. Nếu bạn không đang dùng thuốc Pyridium và nước tiểu của bạn có màu cam đậm, bạn cần đi khám ngay.

Màu nâu

Việc ăn các thực phẩm như đậu fava, cây đại hoàng, lô hội sẽ làm cho nước tiểu của bạn có màu nâu. Ngoài ra việc dùng các loại thuốc trị bệnh như thuốc chống sốt rét, thuốc kháng sinh, thuốc nhuận tràng và thuốc giúp giảm đau gân cốt cũng gây nên tình trạng này.

Tuy nhiên, nước tiểu có màu nâu cũng cho thấy bạn đang có vấn đề về gan, như bệnh viêm gan (hepatitis) (chứng sưng viêm gan gây ra bởi virus hay chất độc), hay bệnh xơ gan (cirrhosis) – chứng bệnh phá hủy tế bào gan.

Màu sắc nâu trong nước tiểu còn do máu bị khô trong thận, bàng quang hay đường tiết niệu, hay có một sự nhiễm trùng, hoặc có u bướu.

Khi bạn thấy nước tiểu có màu nâu, hãy đi khám ngay.

Nặng mùi

Nếu bạn vừa mới ăn măng tây thì nước tiểu sẽ có mùi giống trứng thối hay cải bắp luộc. Đó là do một loại men phân hủy thực vật thành hợp chất được thải loại sau đó trong nước tiểu.

Tuy nhiên trường hợp nước tiểu thật sự nặng mùi, phải nghĩ rằng có thể bạn đã bị nhiễm trùng. Chứng máu đông cũng có thể gây cho nước tiểu có mùi hăng.

Nếu bạn không vừa ăn măng tây, thì rõ ràng bạn đang có vấn đề cần đi khám ngay. Vì 99% trường hợp nước tiểu nặng mùi là do có sự nhiễm trùng, có thể được điều trị bằng kháng sinh.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]