Đoán bệnh từ tiếng nấc

Nấc có thể xuất hiện từng tiếng rồi tự hết. Nhưng cũng có người nấc kéo dài hàng tuần, hàng tháng. Nấc báo hiệu điều gì? Chữa nấc ra sao.

15.6023

Nấc gây ra do sự kích động dây thần kinh cơ hoành - một cơ rộng ngăn cách khoang bụng và ngực. Các bệnh sau đây có thể gây nấc.

Viêm màng não: Do tụ cầu, liên, phế cầu, trực khuẩn lao virus. Bệnh nhân có sốt cao, nhức đầu, nôn vọt thành tia, không liên quan đến bữa ăn, nấc từng cơn, điều trị bằng các thuốc không khỏi. Khám thấy mạch chậm, cứng gáy. Có thể liệt.

Rối loạn về tâm thần như kích động hay ly bì, nặng có thể hôn mê. Cần làm công thức máu, chọc dịch tuỷ sống để xét nghiệm sinh hoá, tế bào, vi khuẩn.

Ảnh minh họa: Chữa nấc bằng cách uống nước lạnh

U não: Không sốt, nhức đầu dai dẳng, buồn nôn, nôn và nấc ngày càng tăng. Có thể liệt nửa người. Cần chụp X quang, chụp cộng hưởng từ hộp sọ để tìm khối u.

Urê huyết tăng trong suy thận: gây rối loạn thần kinh cơ, làm tăng kích thích cơ hoành.

Viên màng phổi thể khu trú ở cơ hoành, viêm mủ hoặc tràn dịch màng phổi. Bệnh nhân sốt, khó thở, nằm nghiêng về bên cơ hoành viêm thì đau, đôi khi gây nấc do cơ hoành bị kích thích.

Cần chụp X quang phổi, siêu âm màng phổi. Những bệnh nhân viêm phổi ở thuỳ đáy cũng có triệu chứng nấc kéo dài.

Viêm ngoài màng tim: Do vi khuẩn, do lao, gây tràn dịch màng ngoài tim, viêm màng ngoài tim cũng có khi bị nấc.

U trung thất: Mới đầu phù hai mắt, có thể kèm theo ù tai, chóng mặt, sau phù ở mặt, cổ, ngực và hai tay. Kèm theo tím tái. Các tĩnh mạch ở ngực giãn, nổi rõ ở dưới da, tĩnh mạch cổ nổi rõ và giãn.

U chèn ép vào phế quản gây khó thở, ho khan, chèn vào dây thần kinh quặt ngược gây giọng khàn, nói hai giọng, chèn vào dây thần kinh hoành gây nấc. Cần chụp X quang và chụp cắt lớp vi tính lồng ngực.

Bệnh ở các cơ quan trong ổ bụng: Viêm dạ dày, thực quản có khi gây nấc, thường đau vụng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, nhất là lúc ăn chua, uống bia rượu. Cần nội soi dạ dày, thực quản.

Viêm màng bụng do tạp khuẩn, do lao cũng gây nấc. Nấc còn gặp ở phụ nữ có thai, người bị mổ vùng bụng, người uống rượu nhiều, người ăn thức ăn cay, uống nước giải khát có nhiều ga.

Nấc tâm lý: Gặp ở những người cười nhiều, người bị stress, thần kinh căng thẳng hoặc cảm xúc quá mạnh.

Cách điều trị

Nấc nhẹ: thường là nấc cơ năng, do tâm lý có thể tự hết sau khi ăn, uống nước lạnh, hoặc chườm đá vùng thượng vị. Bạn có thể dùng lời nói làm cho người bị nấc hoảng sợ đột ngột thì sẽ hết nấc.

Nếu không khỏi làm nghiệm pháp Valsalva như sau: Ngậm miệng, bịt mũi, bịt tai, hít vào sâu rồi ép hơi thở ra thật mạnh (nhưng không cho hơi ra), làm vài lần sẽ hết nấc.

Nấc dai dẳng: uống thuốc an thần chlo-proethazin (phenothiazin), viên 250mg, ống 5ml, tiêm 1-2 ống hoặc uống 1-2 viên/ngày. Thuốc chống co thắt Spasmaverin 40- 80mg, Primperan 10mg, uống 1-3 viên/ngày, Lioresal 10mg uống 1-2 viên/ngày.

Nấc nặng: Hút dạ dày, gây mê, ức chế cơ hoành tạm thời bằng Bupivacain hoặc cắt dây thần kinh hoành.

Các thể nấc dai dẳng và nấc nặng có thể kết hợp với châm cứu, day bấm huyệt. Châm các huyệt: Túc tam lý, thiên khu, trung quản, thiên đột, nội quan. Cũng có thể cứu: Quan nguyên, khí hải, đàn trung, cự khuyết, thượng quản nhất.

Liệu trình: mỗi ngày châm cứu một lần, mỗi lần 20-30 phút. Trường hợp nặng, lâu ngày có thể châm cứu 2 lần/ngày. Kết hợp điện châm với cứu, hiệu quả rất tốt.
 
AloBacsi.vn
Theo TS. Đào Đình Hưng - Kiến thức
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]