Công việc bận rộn, sự ra đời của thức ăn nhanh và chế độ ăn uống không khoa học khiến bệnh béo phì ngày càng tăng cao. Người ta cho rằng, tinh bột có trong thức ăn hằng ngày chính là thủ phạm gây béo, và một trong những biện pháp được “lý tưởng hóa” là low carb, tức tránh xa tinh bột và đường. Nhưng những nghiên cứu khoa học được công bố gần đây đã mang đến những điều bất ngờ về căn bệnh béo phì.

“Đoạn tuyệt” với tinh bột, mà cụ thể là biện pháp giảm cân bằng low carb (low carb là một trong những phương pháp ăn kiêng nổi tiếng được nhiều ngôi sao trên thế giới áp dụng và hiện đang rất phổ biến trong giới văn phòng) có thể là một phương pháp giảm cân lý tưởng vì người ăn kiêng sẽ không phải khổ sở nhịn ăn mà trái lại có thể ăn được rất nhiều món mình yêu thích miễn là tránh xa tinh bột và đường.

Thế nhưng, cho đến nay, phương pháp ăn kiêng kiểu low carb vẫn còn là đề tài gây nhiều tranh cãi đối với các chuyên gia. Nhiều ý kiến cho rằng đây cũng chỉ thích hợp đối với những người có một chế độ tập luyện hoặc muốn ép cân trong một thời gian ngắn tạm thời chứ không có tác dụng giữ gìn vóc dáng về lâu dài.

Theo TSBS Lâm Vĩnh Niên, Khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM: “Chế độ ăn low carb là chế độ ăn hạn chế chất bột đường (carbohydrate, như ngũ cốc, tinh bột, trái cây), đồng thời tăng cường chất đạm và chất béo. Có nhiều loại chế độ ăn low carb, mỗi loại khác nhau về mức độ giới hạn chất bột đường.

Trong dài hạn, chế độ ăn hạn chế chất bột đường có thể gây thiếu vitamin và khoáng chất, mất xương, rối loạn tiêu hóa và tăng nguy cơ nhiều bệnh mạn tính khác. Hạn chế nghiêm trọng lượng chất bột đường đến dưới 20g/ngày có thể gây nhiễm ceto với biểu hiện buồn nôn, nhức đầu, mệt mỏi về thể chất và tinh thần, hơi thở hôi. Bên cạnh đó, việc ăn lượng lớn chất béo và protein từ nguồn động vật có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim và một số loại ung thư.”

Nguyên Vy