Độc đáo cỗ lá xứ Mường

(TNTT&GT) Cũng thịt luộc, gà luộc, cũng lòng, dồi, tiết canh đấy, nhưng thực khách sẽ không thể tìm được hương vị đặc biệt như thế ở bất cứ nơi nào khác, mà phải là mâm cỗ lá xứ Mường.

15.5757

Về bản mường Hòa Bình vào ngày lễ tết, đắm mình vào những làn điệu dân ca, những câu hát đối trong trẻo ngọt ngào của những chàng trai cô gái Mường, du khách còn được thưởng thức món “cỗ lá” đặc biệt chỉ riêng có ở xứ Mường tỉnh Hòa Bình.

Luộc mới "sạch"

Cỗ lá nôm na là mâm cỗ bày trên lá chuối. Nét văn hóa ẩm thực sơ khai này đã có từ rất lâu đời, những người dân Mường Hòa Bình ngày nay vẫn còn lưu giữ được trong những dịp lễ, tết, cưới xin, ma chay… Tùy theo từng điều kiện của chủ nhà mà mâm cỗ cúng có thể bày thịt gà, thịt lợn, hay thịt bò, trâu… Nhưng dù có là thịt gì, mâm cỗ nhất thiết chỉ có một loại và không được chế biến cách gì khác ngoài luộc. Theo cách nghĩ của những người dân nơi đây, luộc là cách chế biến món ăn đảm bảo hương vị tươi ngon và sạch sẽ nhất, không vương dầu mỡ, không lấm lem than bụi.

Và hương vị nguyên sơ ấy không thể bị bát sành, bát sứ, mâm nhôm, mâm đồng… làm hỏng, nó phải được tôn lên bởi tàu lá chuối vừa mới cắt trên rừng còn đọng sương đêm.

Mang xôi đi góp cỗ

Sáng sớm mai, khi mặt trời quét những vệt nắng đầu tiên trên những đỉnh núi xanh thẫm, những chàng trai khỏe mạnh nhất được giao nhiệm vụ “hóa kiếp” cho những chú gà, lợn hay trâu bò đã được chọn nhốt vào chuồng từ đêm hôm trước. Phần tiết dùng để đánh tiết canh, còn phần thịt xẻ ra nhanh chóng giao cho những người phụ nữ để chế biến thành món ăn. Các món ăn phải đầy đủ các bộ phận từ tim, gan, dạ dày, ruột… cho đến các thứ cổ, cánh, chân, thịt đùi, thịt mông…để chứng tỏ cái hài hòa, đầy đặn của mâm cỗ cúng. Đặc biệt, mỗi lần một gia đình làm lễ cúng, những người đến dự đều mang theo một gói xôi, trong có con gà hoặc 2 quả trứng để “góp cỗ”.

Các món ăn đã xong xuôi được bàn tay người phụ nữ xứ Mường đảm đang bày biện vào mâm lá. Chiếc “mâm” thiên nhiên này phải là lá chuối rừng tươi còn xanh mướt, tàu lá dày, mềm mại và dai hơn hẳn lá chuối nhà. Nhìn mâm cỗ đơn sơ, nhưng hóa ra lại tuân theo một quy củ hết sức trật tự.

Với thịt gà phải xếp miếng gan, tiết, thủ, phao câu, hai cái đùi và chân gà lên trên cùng; Thịt lợn, trâu, bò thì là miếng gan, tiết, lòng dồi. Khi có khách quý, những người cao tuổi đến nhà ăn cơm, miếng đầu tiên gắp mời là miếng gan, sau đó đến phao câu, đến tiết. Còn trẻ con thì được gắp miếng đùi. Những người khác trong gia đình nhà chủ chỉ được ăn những phần còn lại.

Nét văn hóa đẹp

Mâm thịt còn giữ nguyên sắc hồng nâu tươi tắn hay vàng mươn mướt, nổi bật trên nền lá chuối xanh um. Hương thơm ngai ngái nguyên sơ từ tàu lá ướp vào từng miếng thịt. Nhưng mâm cỗ bày xong cũng chưa được ăn ngay, mà còn phải cúng trời đất, tổ tiên, cầu mong một năm mùa màng bội thu, gia đình no ấm. Đến khi thầy mo đọc xong bài cúng, thì bụng ai cũng đã cồn cào. Từng mâm cỗ được hối hả chia ra các chiếu: mâm của người già, mâm của đàn ông, mâm của phụ nữ, trẻ con… Miếng thịt gà, thịt lợn, thịt bò… xứ Mường thơm nức và ngọt đậm. Con lợn chỉ biết ăn ngô, ăn khoai, con gà chăm chỉ ngày ngày bới giun, tìm dế trên nương nên thớ thịt ăn vào tuy mềm mà vẫn chắc lẳn. Thứ thịt ấy chấm với muối trắng, đâm thêm trái ớt cay xè và nhúm hạt dổi thơm nồng thì không còn gì bằng. Mâm cỗ chỉ có một loại thịt, nhưng vẫn đủ đầy và sang làm sao. Nào là miếng thịt vừa mềm vừa ngọt, miếng tiết bùi bùi, miếng dồi đậm đà với lạc rang giòn, rau thơm đủ loại, bát tiết canh đánh khéo đông như thạch… Nhắm một miếng, lại vít ống trúc hút thêm hớp rượu cần ngọt lừ đến say cả cõi lòng. Cỗ lá của người Mường không chỉ đặc sắc ở món ăn, mà còn ở cách ăn, ở nét văn hóa độc đáo của họ.

Tịnh Tâm

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]