Độc đáo gốm cao lửa

Bộ đôi "song Hiếu" gồm hai họa sĩ Vũ Đức Hiếu và Trịnh Vũ Hiếu vừa khai mạc một triển lãm chung mang tên Mường Ceramic (gốm Mường) vào ngày 12/12 tại Phòng trưng bày Module 7 (83 Xuân Diệu, Hà Nội). Sau hai tháng miệt mài chế tác mới có thể mang thành quả đi "khoe", triển lãm là bước đánh dấu con đường sáng tác gốm độc bản của bộ đôi họa sĩ này.

15.5757

Đọc E-paper

Với những thiết kế lấy cảm hứng từ tinh thần tối giản và cô đọng, mang đậm triết lý Á Đông, triển lãm Mường Ceramic trưng bày gần 50 tác phẩm của hai họa sĩ. Đây là những thể nghiệm và kết quả làm việc của họ trong suốt 2 tháng liền.

Đất, nước, men, gio..., những chất liệu và kỹ thuật thủ công của bàn tay theo đuổi kỹ năng chế tác gốm truyền thống Việt đã hòa cùng đam mê của hai họa sĩ để có thể làm nên những tác phẩm này.

Theo họa sĩ Vũ Đức Hiếu, Việt Nam là quốc gia nổi tiếng về truyền thống làm đồ gốm với các sản phẩm gốm men trắng, men ngọc, men nâu, hoa lam... từ thời Lý - Trần (thế kỷ XI - XII).

Ngày nay, gốm đã trở thành ngôn ngữ và vật liệu nghệ thuật của nghệ sĩ với các sáng tác vượt ra ngoài kiểu dáng, công năng và thẩm mỹ gốm truyền thống. Tuy nhiên, anh lại theo đuổi phương pháp chế tác gốm thủ công cao lửa, không hóa chất theo nguyên tắc chế tác truyền thống.

"Các sản phẩm tại triển lãm lần này đều được nung ở 1.300 độ C nên cho ra các sản phẩm có độ bền rất cao", họa sĩ Vũ Đức Hiếu chia sẻ.

Từng chiếc tô, chiếc âu hay bình... có mặt trong triển lãm đều có lớp men tự nhiên giàu họa tiết, gây ấn tượng cho khách thưởng lãm. Theo hai họa sĩ, các thiết kế này có tính ứng dụng cao, phù hợp với nhiều xu hướng trang trí nội thất, nhưng quá trình sản xuất mất rất nhiều công sức, nhất là công đoạn nung gốm ở nhiệt độ quá cao, do đó khó đưa vào sản xuất đại trà. Cũng chính vì sản phẩm tạo nên thường là độc bản nên cuộc chơi gốm cao lửa của hai họa sĩ này đã thu hút được khá đông khách thưởng lãm.

Đây là một tín hiệu vui cho tham vọng khôi phục nghệ thuật chế tác gốm truyền thống của không gian văn hóa Mường. Được biết đến với "chức danh" bảo tàng tư nhân đầu tiên về văn hóa của dân tộc Mường, Không gian Văn hóa Mường đã trở thành điểm đến của nhiều trí thức, nhà nghiên cứu văn hóa, nhân học, nghệ sĩ, sinh viên, học sinh và khách du lịch ở tỉnh Hòa Bình.

Để hỗ trợ họa sĩ trong và ngoài nước có không gian sáng tác, Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường đã lập ra Mường Studio, là trung tâm nghệ thuật thuộc Bảo tàng. Xưởng gốm của Mường Studio bắt đầu hoạt động từ tháng 9/2014, và hai họa sĩ Vũ Đức Hiếu, Trịnh Vũ Hiếu là những người "mở hàng" cho Mường Studio.

Những sáng tác gốm đầu tiên của bộ đôi họa sĩ này sẽ là tiền đề cho một trại sáng tác lớn về gốm nghệ thuật vào năm 2015 được tổ chức tại đây. Trại sáng tác sẽ quy tụ các nghệ sĩ đến từ Mạng lưới Gốm châu Á (Asian Ceramic Network) tới làm việc cùng với các nghệ sĩ Việt Nam tại Mường Studio. Hy vọng đó sẽ là nơi khơi được cảm hứng lẫn đam mê cho các nghệ sĩ.

Triển lãm Mường Ceramic kéo dài đến hết ngày 18/12.

>
>
>

>

ĐOÀN GIA
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]