Độc đáo hội chọi trâu Đồ sơn

Để có được một con trâu chọi chiến là cả một kỳ công. Việc chọn trâu, nuôi dưỡng huấn luyện rất công phu, đòi hỏi tâm huyết của người chủ trâu.

15.6009
  •   
 
 
Hội chọi trâu Đồ Sơn là một lễ hội truyền thống mang yếu tố tâm linh của người dân Đồ Sơn, Hải Phòng có từ hàng trăm năm trước đây. Hiện nay lễ hội này được nhà nước công nhận là lễ hội phi vật thể quốc gia và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản của thế giới.

Theo các bậc cao niên trong vùng, có rất nhiều truyền thuyết khác nhau. Về lễ hội chọi trâu, có chuyện kể rằng, đúng vào dịp rằm tháng Tám, người dân đi biển Đồ Sơn chợt nhìn thấy trên biển có vòng hào quang lớn, một cụ già đầu tóc bạc phơ, đang nhìn một cặp trâu chọi nhau trên sóng. Dân làng coi đó là điềm báo thần hiển linh phù hộ cho làng. Từ đó dân làng lập đền thờ tế thần Ðiểm Tước - vị thuỷ thần cai quản vùng Ðồ Sơn. Và hình thành nên tập tục hàng năm tổ chức chọi trâu để tế thần cầu mong một năm mưa thuận, gió hoà, mùa màng tốt tươi, những người đi biển bình yên…

Vì thế người dân Đồ Sơn dù có đi xa làm ăn nơi đâu đến ngày lễ hội thì: "Dù ai buôn đâu, bán đâu/Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về/Dù ai buôn bán trăm nghề/Mồng chín tháng tám thì về chọi trâu".

Bên cạnh các lễ nghi tế thần, đám rước trâu… độc đáo hơn cả là phần hội đề cao tính thượng võ và lòng quả cảm của người dân biển Ðồ Sơn.

Có lẽ vì thế, trải qua bao thăng trầm sau nhiều năm gián đoạn, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã được khôi phục lại 22 năm liên tiếp. Và cứ sau mỗi năm danh tiếng của lễ hội càng lan tỏa thu hút đông đảo người dân cả nước và khách quốc tế về với hội chọi trâu rất đông, năm nay tới gần 3 vạn người. Chưa kể còn có hàng vạn người theo dõi vòng chung kết qua TV được truyền hình trực tiếp.

Ông Hoàng Trung Hiếu, Trưởng ban tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cho biết: “Chúng tôi rất tự hào vì được người dân cả nước quan tâm thăm và dự lễ hội. Đây cũng là sự cổ vũ lớn lao đối với đảng bộ chính quyền và nhân dân Đồ Sơn tiếp tục đầu tư, động viên các làng chọn trâu, huấn luyện trâu thi đấu ngày một tốt hơn”.

Ông Đỗ Đức Doanh đến từ Khoái Châu, Hưng Yên cho biết, với ông hội chọi trâu Đồ Sơn có sức hấp dẫn kỳ lạ vì nó không giống với bất kỳ một môn thể thao nào: “Chọi trâu Đồ Sơn có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với tôi không chỉ vì đây là một hội chọi trâu mang tính truyền thống lâu đời nhất của cả nước. Chọi trâu không giống với bất kỳ một môn thể thao nào, vào thi đấu có những cặp trâu chỉ nhìn nhau thôi đã có trâu bỏ chạy, có những cặp vờn nhau vài ba phút, có những cặp kéo dài, vờn, ghì nhau kéo dài tận 15 phút”.

Để có được một con trâu chọi chiến là cả một kỳ công. Việc chọn trâu, nuôi dưỡng huấn luyện rất công phu, tâm huyết của người chủ trâu. Lùng kiếm được trâu chọi đã là khó, việc dạy trâu các miếng công, thủ, lì đòn còn khó hơn đòi hỏi người chủ trâu phải có trình độ, kinh nghiệm. Ngoài ra, chế độ chăm sóc trâu rất cầu kỳ giúp trâu có sức bền. Trâu được chọn làm trâu chọi được gọi là “ông trâu”. Chính vì thế khi các “ông trâu” ra thi đấu, tên của chủ trâu luôn được hô vang như một sự tôn vinh và kính trọng.

Vào cuộc chọi, các “ông trâu” sẽ chọi cho đến khi có “ông” thua chạy. Cuộc chọi của các “ông” không có trận hòa. Theo luật chơi, cặp trâu nào vào sân đấu mà chỉ nhìn nhau “âu yếm”, nể nang không ra đòn trong thời gian 5 phút thì 2 chủ trâu phải tìm vận may vào vòng tiếp theo qua lá phiếu bắt thăm may rủi.

Khi 2 “ông” chọi có thắng thua, "Thu trâu" cũng vô cùng hấp dẫn và hồi hộp. Người thu trâu phải thật nhanh che mắt “ông trâu” đang hăng máu thắng trận càng sớm càng tốt để trâu khỏi mất sức vào việc đuổi theo trâu thua nhằm dành sức cho trận đấu tiếp theo. Và cũng phải thật nhanh đưa dây thừng qua mũi trâu để dẫn trâu về khu vực kĩ thuật. Có những “ông trâu” hăng máu đến mức hất văng người thu trâu.

Hội chọi kết thúc khi một ông trâu không còn đối thủ. “Ông trâu” vô đối của hội trở thành niềm hãnh diện và tự hào của người dân phường đó.

Nhưng dù có trở thành vô đối hay bại trận, các “ông” cũng đều bị xẻ thịt để bán cho người dự hội bởi theo quan niệm cổ xưa đây là ăn lộc thần linh ban cho dân làng. Vì thế ăn lộc “ông trâu” vô địch bao giờ cũng có giá rất cao từ 5 đến 7 triệu đồng cho 1 ki lô gam, gấp 2 đến 3 lần “lộc” của các ông trâu khác./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]